Khó khăn “cả trong lẫn ngoài” của nền kinh tế Malaysia

05:30' - 19/09/2018
BNEWS Thách thức đối với công cuộc phát triển kinh tế của Malaysia hiện nay không chỉ là những nhân tố bất lợi trong nước mà bao gồm hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ảnh: THX/TXVN
Sau cơn chấn động chính trị lịch sử ngày 9/5, Liên minh Hi vọng (PH) lên nắm quyền. Theo tờ Tinh Châu nhật báo, chính phủ mới đã qua “thời kỳ trăng mật” và giờ đây người dân Malaysia đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng giải quyết tốt các vấn đề kinh tế của chính quyền PH.
Đành rằng mấy tháng qua, chính phủ mới đã có nỗ lực rất lớn trên phương diện cắt giảm chi tiêu nhằm giảm gánh nợ quốc gia. Tuy nhiên, việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển. Trong 5 năm tới, vấn đề tăng trưởng đi xuống sẽ dần trở thành thách thức nghiêm trọng hơn cả vấn đề nợ quốc gia.
Báo trên cho rằng Thủ tướng Mahathir Mohamad khởi xướng kế hoạch xây dựng thương hiệu ô tô quốc gia mới với mong muốn lấy đó làm đòn bẩy chấn hưng kinh tế, nhưng tới nay vẫn chưa xuất hiện bất cứ điểm sáng nào. Kế hoạch này dường như chỉ là sự kéo dài khái niệm phát triển có từ những năm 1980, trong ngắn hạn khó có thể tạo ra đột phá.
Bên cạnh đó, Malaysia còn phải đối mặt với việc năng lực thu hút đầu tư nước ngoài giảm sút, đặt biệt là đầu tư từ Trung Quốc. Những va chạm giữa hai nước gần đây chắc chắn sẽ không giúp ích gì đối với việc thu hút đầu tư từ Trung Quốc.
Về chính trị, chủ nghĩa chủng tộc sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới công cuộc phát triển của Malaysia, khiến người dân (thuộc các chủng tộc khác nhau) không thể hưởng cạnh tranh công bằng. Thông tin về việc Tổ chức Người Malaysia thống nhất (UMNO, đảng lãnh đạo Mặt trận Quốc gia BN đối lập) bắt tay với đảng Hồi giáo Malaysia (PAS, thế lực chính trị thứ ba ở Malaysia) càng thúc đẩy chủ nghĩa chủng tộc và tôn giáo ở Malaysia, ảnh hưởng tới quyết sách của chính phủ. Muốn duy trì tỉ lệ ủng hộ, PH có thể sẽ chệch hướng trung dung, nghiêng về chủ nghĩa chủng tộc.
Trong khi đó, hàng loạt thách thức đang chờ chính quyền PH ở bên ngoài. Sản lượng dầu mỏ của thế giới tăng mạnh trong 10 năm qua, gần đây đối mặt với áp lực giảm giá cùng với sự can thiệp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhằm ổn định giá dầu.
Tuy nhiên, lượng dầu đá phiến xuất khẩu của Mỹ không ngừng tăng và Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, phải đối mặt với áp lực tăng trưởng kinh tế suy giảm. Việc nguồn cung gia tăng, nhu cầu đi xuống khiến giá dầu tương lai khó có thể đi lên.
Trong khi đó, thu nhập tài chính của Malaysia lệ thuộc rất lớn vào dầu mỏ. Giá dầu giảm không chỉ khiến đồng ringgit của Malaysia mất giá mà còn gây áp lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế của nước này.
Một nhân tố khác ảnh hưởng tới kinh tế Malaysia là sự tháo chạy của dòng vốn. Mỹ tăng lãi suất sẽ khiến một lượng lớn vốn đầu tư rút khỏi các nước đang phát triển trở về Mỹ. Dòng vốn tháo chạy sẽ khiến thị trường chứng khoán chao đảo, thậm chí đổ vỡ và đồng nội tệ mất giá.
Gần đây, thị trường chứng khoán của các nền kinh tế mới nổi đều rơi vào xu thế giảm. Chứng khoán Malaysia cũng mất mốc 1.800 điểm. Trên phương diện tiền tệ, đồng peso của Argentina, đồng rand của Nam Phi và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá nghiêm trọng, còn đồng ringgit của Malaysia cũng xuống dưới mức 4,1 ringgit/USD.
Dòng vốn tháo chạy trong ngắn hạn ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, về trung và dài hạn sẽ cản trở phát triển kinh tế, trở thành “hòn đá vướng chân” đối với tăng trưởng kinh tế của Malaysia.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày một leo thang. Mỹ chuẩn bị áp thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Dự kiến, Trung Quốc sẽ ra đòn trả đũa. Hiện nay tồn tại dư luận cho rằng chiến tranh thương mại mang tới cơ hội cho Malaysia, nhưng về tổng thể, nói chiến tranh thương mại có lợi cho Malaysia là không thực tế. Một số chuyên gia nhận định chiến tranh thương mại sẽ khiến GDP của Trung Quốc giảm 0,5% và GDP của Mỹ giảm 0,2%.
Trung Quốc và Mỹ đều là những đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia. Kinh tế Trung Quốc và Mỹ bị ảnh hưởng, kinh tế Malaysia ắt “vạ lây”. Đó là chưa nói tới chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới châu Âu và các nước khác. Nếu tình hình không có biến chuyển tốt, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đối với kinh tế Malaysia, thậm chí là kinh tế thế giới khó có thể dự đoán được.
Trong thời kỳ BN cầm quyền, kinh tế Malaysia bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các nhân tố bên ngoài. Lực lượng phản đối BN đã nhân cơ hội đổ trách nhiệm lên BN. Giờ đây, chính quyền đã thay đổi, lực lượng ủng hộ BN chắc chắn làm điều tương tự đối với PH. 5 năm tới, những thành tích mà chính phủ mới đạt được sẽ quyết định khả năng PH có tiếp tục được nắm quyền lãnh đạo đất nước.
Điều không may mắn là trong khoảng thời gian này, kinh tế Malaysia phải đối mặt với khó khăn lo bên trong và họa bên ngoài. Vì vậy, muốn kinh tế Malaysia đạt được tăng trưởng mang tính đột phá thực sự rất khó. Để tránh rơi vào “hiểm địa”, chính quyền PH cần phải cân bằng giữa giảm nợ quốc gia và phát triển kinh tế, tạo ra môi trường có lợi cho hoạt động kinh doanh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục