CBO: Nợ công của Mỹ sẽ cao kỷ lục vào cuối thập kỷ

12:01' - 30/06/2023
BNEWS Văn phòng Ngân sách Liên bang (CBO) nhận định nợ công của Mỹ trên đà tăng lên các mức cao mới vào cuối thập kỷ này, dù các nghị sỹ đảng Cộng hòa và Dân chủ đạt thỏa thuận nhằm giảm thâm hụt ngân sách.

Nợ của Mỹ sẽ tăng lên mức kỷ lục 107% GDP vào năm 2029, so với mức 98% GDP vào cuối năm 2023. Điều này có nghĩa số tiền nợ của nước Mỹ vượt quy mô của nền kinh tế.

Dự báo trên được đưa ra dù thỏa thuận về trần nợ giữa hai đảng được cho là yếu tố chính làm giảm thâm hụt ngân sách. CBO trước đó cho rằng thỏa thuận này, với tên gọi Đạo luật Trách nhiệm Tài chính 2023, được cho là sẽ làm giảm thâm hụt ngân sách Liên bang  1.500 tỷ USD trong 10 năm tới.

Theo Ủy ban Vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm, nợ công của Mỹ ở mức khoảng 36.000 tỷ USD vào năm 2029, hay 104.300 USD/người, tăng so với mức 25.400 tỷ USD hiện nay. Trong dài hạn, nợ của Mỹ được cho là sẽ còn tăng lên cao hơn.

Số nợ dự kiến sẽ chạm mức 181% GDP vào năm 2053, vượt xa bất kỳ kỷ lục nào trước đó. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn dự báo mà CBO đưa ra hồi tháng 5 là 195% GDP.

 

CBO cảnh báo mức nợ cao và đang gia tăng như vậy sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm tăng chi phí trả lãi cho các chủ nợ nước ngoài và gây rủi ro lớn đối với triển vọng kinh tế và tài khóa.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/6 đã ký ban hành luật về trần nợ sau nhiều tuần tranh cãi, nhằm ngăn chặn một vụ vỡ nợ nghiêm trọng.

Cụ thể, Tổng thống Biden đã ký ban hành "Đạo luật Trách nhiệm Tài chính năm 2023" đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ để gia hạn khoản vay và duy trì việc thanh toán các hóa đơn, qua đó tránh được tình trạng vỡ nợ có thể gây ra sự hoảng loạn trên thị trường, mất việc làm diện rộng và suy thoái kinh tế, với hệ lụy ở quy mô toàn cầu.

Hạ viện và Thượng viện Mỹ trước đó đã thông qua dự luật sau khi Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được thỏa thuận sau nhiều cuộc thương lượng căng thẳng.

Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ áp mức trần nợ 31.400 tỷ USD trong 2 năm, đến ngày 1/1/2025; giới hạn chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025, theo đó trong năm tài chính 2024 cấp 886 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và 704 tỷ USD cho các hạng mục không thuộc lĩnh vực quốc phòng.

Như vậy, chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi trong tài khóa 2024. Hai bên nhất trí tăng 1% chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng trong tài khóa 2025. Ngoài ra, hai bên nhất trí thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng; đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Trong khi đó, theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/6, doanh số bán nhà đơn lập của nước này trong tháng 5/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng do khan hiếm nguồn cung nhà ở đã qua sở hữu.

Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, doanh số bán nhà mới hàng năm của Mỹ trong tháng 5/2023 đã tăng 12,2% lên mức 763.000 căn, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 2/2022. Con số này cao hơn nhiều so với dự báo được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Anh Reuters đưa ra trước đó là 675.000 căn.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, giá nhà mới trung bình của Mỹ trong tháng Năm lại giảm 7,6% xuống mức 416.300 USD cho một căn. Có 428.000 căn nhà mới được bán trên thị trường vào cuối tháng Năm, giảm so với mức 432.000 căn trong tháng Tư. Với tốc độ bán hàng của tháng Năm, sẽ mất 6,7 tháng để bán hết các căn nhà trên thị trường, giảm từ mức 7,6 tháng của tháng trước đó.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá thị trường nhà ở của Mỹ có khả năng đã chạm đáy và bắt đầu được cải thiện. Số liệu tuần trước cho thấy niềm tin của các nhà xây dựng trong tháng 6/2023 đã tăng lên mức tích cực lần đầu tiên sau 11 tháng.

Bất chấp lãi suất thế chấp đang có xu hướng tăng, doanh số bán nhà vẫn tăng trong tháng Năm do khan hiếm nguồn cung nhà ở đã qua sở hữu. Có 1,08 triệu căn nhà đã qua sở hữu được rao bán trên thị trường vào tháng Năm và sẽ mất ba tháng để bán hết lượng hàng tồn kho.

Trong khi đó, theo báo cáo Beige Book được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố cuối tháng 5/2023, nền kinh tế số một thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt trong những tuần gần đây khi tăng trưởng việc làm và lạm phát đều chậm lại.

Báo cáo Beige Book, được công bố hai tuần trước mỗi cuộc họp chính sách của Fed, cho biết việc làm gia tăng ở hầu hết các quận, song với tốc độ chậm hơn so với các báo cáo trước đó. Trong khi đó, giá cả tăng vừa phải với tốc độ tăng giá chậm lại ở nhiều quận. Kết quả khảo sát cũng cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ nhìn chung ít thay đổi trong tháng Tư và đầu tháng Năm.

Báo cáo Beige Book, dựa trên thông tin tổng hợp từ 12 ngân hàng khu vực của Fed tính đến ngày 22/5, tiếp tục khẳng định những dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng và lạm phát có xu hướng chậm lại. Theo báo cáo, lạm phát cao và việc hết trợ cấp COVID-19 đang gây áp lực lên ngân sách của các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, khiến nhu cầu đối với các dịch vụ xã hội như thực phẩm và nhà ở tăng lên.

Nền kinh tế Mỹ đã chứng tỏ khả năng phục hồi, ngay cả khi Fed tiếp tục tăng lãi suất trong năm qua. Báo cáo JOLTS trước đó của Bộ Lao động Mỹ đã cho thấy cơ hội việc làm trong tháng Tư đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng, dấu hiệu cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Cùng với đó là lạm phát vẫn dai dẳng. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, thước đo ưa thích của Fed, đã tăng cao hơn kỳ vọng trong tháng Tư với mức tăng 4,4%, cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đang đánh giá cẩn thận chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ trong 14 tháng qua đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ như thế nào. Một số quan chức đã chỉ ra rằng Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng Sáu. Tuy nhiên những người khác, cảnh giác với lạm phát dai dẳng, lại cho rằng ngân hàng trung ương có thể cần phải làm nhiều hơn nữa./.

Dunson Cheng, Chủ tịch điều hành của Cathay Bank cho biết, làn sóng ngân hàng Mỹ đóng cửa gần đây đã để lại hậu quả và cho thấy những điểm yếu của một số ngân hàng khác trong khu vực.

Sự sụp đổ đột ngột của Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank, và First Republic Bank tại Mỹ hồi đầu năm nay đã làm dấy lên những quan ngại mới về độ an toàn của hệ thống ngân hàng.

Giá cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ tiếp tục trượt dốc trong tháng 5/2023, dẫn đầu là PacWest.

Ông Cheng cho rằng số lượng ngân hàng tại Mỹ sẽ tiếp tục giảm bởi cuộc khủng hoảng này đã đặt ra câu hỏi về việc một số ngân hàng ít vốn và ít lợi nhuận có muốn tiếp tục hoạt động hay không. Nhiều ngân hàng trong số này có thể quyết định sáp nhập hoặc bán cho các ngân hàng mạnh hơn.

Ông Cheng cho biết thêm vào đầu những năm 1980, nước Mỹ có khoảng 15.000 ngân hàng, song hiện con số này giảm xuống còn khoảng 4.300 ngân hàng.

Một số rủi ro mà các ngân hàng Mỹ phải đối mặt đó là niềm tin của khách hàng đối với các ngân hàng khu vực lung lay, tâm lý lo ngại về sự sụt giảm hiện nay của nền kinh tế Mỹ có phát triển thành một cuộc suy thoái mạnh hay không và tác động đáng kể của công nghệ đối với lĩnh vực ngân hàng.

Các khách hàng bắt đầu nghi vấn liệu tiền của họ có an toàn tại ngân hàng hay không. Do đó, các ngân hàng sẽ cần thời gian để lấy lại niềm tin của khách hàng.

Sau khi nhiều ngân hàng đóng cửa gần đây, các cơ quan quản lý ngân hàng của Mỹ cũng đang làm việc để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và đảm bảo nhu cầu của họ được đáp ứng.

Ông Cheng cho biết thêm trong thời kỳ suy thoái, hoạt động kinh doanh và tiêu dùng sẽ chậm lại, khiến thu nhập và lợi nhuận giảm xuống. Do đó, người vay có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán cho ngân hàng, dẫn đến nợ xấu tăng lên, và đó là lý do dẫn đến ngân hàng phá sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục