CEO Tim Cook: "Thổi hồn" vào các sản phẩm cũ

11:06' - 19/11/2017
BNEWS Đằng sau những con số ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận, CEO Tim Cook đã giải quyết được hai vấn đề lớn của Apple.
CEO Tim Cook: "Thổi hồn" vào các sản phẩm cũ. Ảnh minh họa: TTXVN

Bằng cách đưa ra những báo cáo về doanh thu và lợi nhuận vững chắc, thậm chí vượt kỳ vọng của Phố Wall, Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của Apple đã xoa dịu những lo ngại về việc iPhone X – siêu phẩm hàng đầu của “người khổng lồ công nghệ” này - sẽ không kịp mở bán cho mùa mua sắm dịp lễ hội năm nay.

iPhone X - sản phẩm đánh dấu 10 năm iPhone xuất hiện trên thị trường điện thoại - ra mắt hồi tháng 9/2017, nhưng các "tín đồ" phải chờ đến 3/11 mới có thể chính thức cầm trên tay sản phẩm rất được mong chờ này.

Bởi chiếc iPhone thế hệ mới được Apple ví von là mẫu điện thoại của tương lai, với màn hình OLED tràn viền, tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt với tên gọi “Face ID”, người dùng chỉ việc nhìn vào máy để mở khóa. Ngoài ra, iPhone X có camera kép 12 megapixel, được trang bị sạc không dây QI, với thời gian sử dụng pin lâu hơn 2 giờ so với iPhone 7. iPhone X có hai phiên bản dung lượng 64GB và 256GB với giá bán từ 999 USD.

Cũng trong ngày mở bán iPhone X, Apple đã công bố báo cáo hoạt động quý III/2017, qua đó cho thấy đây tiếp tục là một quý kinh doanh thành công với doanh thu 52,6 tỷ USD (+12%) và lợi nhuận sau thuế đạt tới 10,7 tỷ USD. Apple tin tưởng chính iPhone X sẽ giúp nâng doanh thu của hãng trong quý IV/2017 lên 87 tỷ USD (+11%).

Từ chiến lược của người đồng sáng lập

Đằng sau những con số ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận, CEO Tim Cook đã giải quyết được hai vấn đề lớn của Apple. Đó là sự phụ thuộc quá nhiều vào các đời iPhone mới nhất để tăng lợi nhuận, cùng với việc thiếu vắng các sản phẩm giá cả phải chăng nhằm thu hút người mua và giúp họ nhận ra lợi ích của việc tham gia “hệ sinh thái” phần cứng và phần mềm của Apple.

Để đạt được kết quả trên, điều duy nhất CEO Tim Cook phải làm là chấm dứt chính sách của người tiền nhiệm Steve Jobs về việc thẳng tay xóa bỏ tất cả các sản phẩm cũ khi những dòng sản phẩm tốt hơn được ra mắt.

Steve Jobs – người đồng sáng lập Apple và chứng kiến sự phát triển vượt bậc của hãng vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 - đã bị đẩy khỏi hãng trong một cuộc xung đột về định hướng hoạt động của doanh nghiệp với cựu CEO John Sculley vào năm 1985. Một thập kỷ sau đó, Apple đã để mất vị trí thống trị trên thị trường máy tính cá nhân vào tay Microsoft.

Trong những nỗ lực nhằm lấy lại thị phần, Apple đã mở rộng các dòng sản phẩm của mình nhưng không đạt được bất cứ thành công nào. Sau khi Apple mời Steve Jobs trở về và giữ vị trí CEO vào năm 1997, ông đã thu hẹp và chỉ duy trì một số ít các đầu sản phẩm mà ông tin Apple có thể đưa ra thị trường với chất lượng tốt nhất.

Và ngay cả khi "quả táo khuyết" đã ổn định lại tình hình tài chính vào đầu thập niên 2000, Steve Jobs không hề ngại ngần “khai tử” một dòng sản phẩm cũ để thay bằng một phiên bản tốt hơn.

IPod Mini, phiên bản thu nhỏ của máy nghe nhạc iPod đình đám của Apple – có có tuổi thọ chỉ một năm rưỡi, và ngay sau đó đã bị thay thế bằng một sản phẩm còn nhỏ gọn hơn là iPod Nano. Cách tiếp cận này của Steve Jobs đã để lại cho Apple một danh mục sản phẩm hạn chế, mang đến lợi nhuận lớn nhưng khá đắt tiền.

Đến "Học thuyết Tim Cook"

Tác động của “Học thuyết Tim Cook” không khó để nhận ra khi lần đầu tiên Apple cho ra mắt tới 5 dòng sản phẩm iPhone khác nhau trong cùng năm nay. Trong đó, mẫu iPhone X cao cấp nhất với giá 999 USD đã thu hút hầu hết sự chú ý của giới truyền thông trong mùa mua sắm năm nay.

Song mẫu iPhone SE khiêm tốn – bản cập nhật của iPhone 5 ra mắt cách đây 5 năm - đã đóng một vai trò quan trọng góp phần tăng gấp đôi doanh thu của Apple ở Ấn Độ, một thị trường mới nổi quan trọng của hãng. Chiếc điện thoại không được rình rang trình làng này chỉ có giá 349 USD.

iPhone SE được ra mắt lần đầu vào ngày 21/3/2016 và chính thức mở bán vào ngày 31/3 cùng năm. Đây là mẫu iPhone đầu tiên trong dòng sản phẩm đình đám không được đánh số, cũng là lần đầu tiên Apple sử dụng thiết kế cũ cho một sản phẩm mới. iPhone SE có hình dáng, kích thước toàn giống với mẫu iPhone 5s cũ, từ kiểu dáng đến vị trí phím nguồn, âm lượng, và đặc biệt là kích thước màn hình 4 inch từng được coi là “tỷ lệ vàng”.

CEO của Apple, Tim Cook (trái) với sản phẩm Iphone thế hệ mới trên tay tại buổi lễ ra mắt. Ảnh: AFP/TTXVN

Song iPhone SE lại mang cấu hình đẳng cấp của chiếc iPhone 6s khi được trang bộ vi xử lý chip A9 64 bit, RAM 2GB, camera 12 megapixel với nhiều tính năng hấp dẫn như: Live Photos, quay video có độ phân giải 4K, đèn flash kép và khả năng chụp ảnh panorama độ phân giải 63 megapixel. Tại buổi ra mắt iPhone SE, Apple khẳng định rằng đây là chiếc smartphone 4 inch mạnh mẽ nhất thế giới.

Song, có lý do chính đáng để tin rằng vị CEO quá cố của Apple sẽ không bao giờ cho phép một sản phẩm như iPhone SE tồn tại.

Chính “Học thuyết Tim Cook” về việc cho phép các sản phẩm cũ kéo dài “tuổi thọ” và giảm giá bán dường như đang thành công. Apple đã bán ra 46,6 triệu chiếc iPhone trong quý III năm nay, vượt kỳ vọng của giới phân tích mặc dù với mức giá bán trung bình thấp hơn.

Điều đó không có nghĩa là Apple đang "hy sinh" lợi nhuận của họ. Ngược lại, việc bán được nhiều điện thoại hơn - bất kể với mức giá nào – đang giúp thúc đẩy mảng kinh doanh dịch vụ của Apple, bao gồm dịch vụ thuê bao nhạc số Apple Music và kho ứng dụng App Store dành riêng cho hệ điều hành iOS. Mảng dịch vụ số đã mang lại cho Apple doanh thu 8,5 tỷ USD trong quý III/2017, cao hơn ước tính 7,5 tỷ USD của giới phân tích.

Việc bán được nhiều điện thoại hơn cũng giúp thúc đẩy doanh số bán các sản phẩm mới của Apple như điện thoại thông minh Apple Watch, tai nghe không dây Airpod và dòng tai nghe Beats.

Các nhà quản lý cấp cao của Apple cho biết doanh thu từ những sản phẩm này đang ngang ngửa với quy mô của một công ty nằm trong danh sách "Fortune 400", cho thấy những dòng sản phẩm này có thể đạt doanh thu khoảng 6,7 tỷ USD trong năm tới.

Tim Cook đã đánh cược với việc nếu Apple hạ giá bán để thu hút thêm nhiều người dùng và giúp họ trải nghiệm hệ điều hành iOS với chi phí thấp hơn, khách hàng sẽ muốn chi nhiều tiền hơn cho “hệ sinh thái” của Apple ngay cả khi họ không mua sắm những thiết bị đắt tiền nhất. Có lẽ tính đến hiện tại, vị CEO của Apple đang giành phần thắng trong ván cược đầy mạo hiểm này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục