Chăn nuôi gia cầm tiếp tục đối mặt với giá thức ăn ở mức cao

13:01' - 22/12/2021
BNEWS Cơ hội với chăn nuôi gia cầm năm 2022 sẽ tốt hơn năm 2021 nhờ Việt Nam có chính sách thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19. Nhưng giá thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn còn duy trì ở mức cao.

Sáng 22/12, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức hội thảo Sản xuất, thương mại gia cầm năm 2021, cơ hội và thách thức năm 2022, vai trò của chuỗi liên kết và giao thương nội khối. Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cơ hội với chăn nuôi gia cầm năm 2022 sẽ tốt hơn năm 2021 nhờ Việt Nam có chính sách thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19. Tuy nhiên, những lo ngại về giá thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn còn duy trì ở mức cao khiến giá thành chăn nuôi gia cầm còn cao.

Bà Trần Ngọc Yến, Trung tâm Phân tích và Dự báo thị trường nông sản (AgroMonitor) thông tin, lượng nhập khẩu gà giống bố mẹ tăng mạnh trong 4 năm gần đây, nhưng từ năm 2021 giảm mạnh vì giá gà trong nước lao dốc nên có sự điều chỉnh nhập khẩu.

Năm 2021, sản lượng gà trắng thịt giảm khoảng 20% do giá gà ở mức thấp tương đối dài. Trong năm 2021, hiếm khi giá gà trắng trên giá thành sản xuất, thậm chí khi bị giãn cách xã hội ở phía Nam, giá gà có 5.000 đồng/kg.

Với gà ta lai không có biến động nhiều vì nguồn cung thu hẹp. Vịt không có xu hướng mở rộng như năm 2020, nguồn cung thấp hơn năm 2020 nên giá vịt năm 2021 không bị biến động mạnh.

Trong khi các sản phẩm gia cầm đều giảm, ngành hàng trứng có giá bán tương tối tốt nên có sự mở rộng về đàn. Có thời điểm giá trứng gần 3.000 đồng/quả, gần đây giá trứng có giảm nhưng không mạnh như giá gà.

Về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, điển hình giá ngô vừa qua tăng rất mạnh. Giá ngô hiện khoảng gần 8.000 đồng/kg tại cảng và thị trường sẽ dần phải quen với mức giá mới; giá khô dậu tương vẫn ở cao. Cùng với đó chi phí logistics không có nhiều cải thiện.

“Vừa qua, các hiệp hội đã đề xuất giảm được thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, tác động tỷ giá tăng đã “đánh bay” những lợi ích của việc giảm thuế nhập khẩu”, bà Trần Ngọc Yến nói.

Về tiêu thụ, bà Trần Ngọc Yến nhận định, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gia cầm năm 2022 tiếp tục là ẩn số vì số ca nhiễm dịch COVID-19 trong nước vẫn cao nên có thể vẫn hạn chế về du lịch, sự mở cửa của nhiều loại dịch vụ. Do đó, giá gia cầm năm 2022 sẽ bị ảnh hưởng bởi nền tiêu thụ trên thị trường.

Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng cho rằng, năm 2022 còn nhiều khó khăn với chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng. Bởi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ duy trì mặt bằng giá cao; thách thức về dịch bệnh COVID-19 khi có thể có thêm các biến chủng mới; việc kiểm soát dịch bệnh còn phức tạp.

Tuy nhiên, năm 2022 sẽ có thuận lợi hơn so với 2021 là Chính phủ đã thay đổi chiến lược phòng chống dịch. Các hoạt động kinh tế gần như trở lại, đây là yếu tố quan trọng để tăng tổng cầu thực phẩm. Nếu một số tuyến duy lịch mở ra sẽ là cơ hội cho chăn nuôi gia cầm tăng cường sản xuất. Nhìn chung năm 2022, tổng cầu gia cầm sẽ tăng.

Đáng lo ngại là tỷ giá tăng lên không bù được thuế thức ăn chăn nuôi giảm, nhưng cũng góp phần cải thiện giá thành thức ăn chăn nuôi một phần nào đó, ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay.

Đại diện Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, năm 2022 doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản lượng 60.000 con giống. Phương châm doanh nghiệp là phát triển bền vững, nâng cao chất lượng con giống nhằm giảm giá thành chăn nuôi cho người chăn nuôi gà thương phẩm.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp cho rằng, nguồn lực doanh nghiệp trong chăn nuôi gia cầm rất lớn nhưng còn phân tán, chưa có sự liên kết với nhau nhiều. Các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi gia cầm cần có sự kết nối, hợp tác với nhau nhằm thúc đẩy giao thương nội khối để có kế hoạch, định hướng phát triển sản phẩm hướng đến bền vững.

"Năm 2022, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nên có một vài nhóm liên kết và làm hình mẫu cho phát triển. Có các doanh nghiệp hàng đầu trong liên kết để đưa ra phương hướng sản xuất, từ đó có khung, hướng phát triển giao thương nội khối. Hiệp hội vẫn giữ vai trò kiểm soát, hỗ trợ", một doanh nghiệp cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng, muốn cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, thì chăn nuôi trong nước phải "cụm lại", nếu không sẽ khó “sống sót” trên thị trường trong nước chứ chưa nói đến thị trường nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam đã và tiếp tục ký kết nhiều hiệp định thương mại tư do. Hiệp hội sẽ nghiên cứu, tìm hướng kết nối các doanh nghiệp để xây dựng ngành hàng gia cầm trong nước có tính cạnh tranh cao và phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục