Nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vào cuối năm rất cao​

17:31' - 21/09/2021
BNEWS Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến cuối năm, nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có thể phát sinh và lây lan rất cao.

Bởi do thời tiết, nhu cầu tăng đàn phục vụ thị trường cuối năm cũng như tình trạng buôn lậu có thể gia tăng làm tăng nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh.

Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 99 xã của 29 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 373.043 con gia cầm, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Hiện có 3 chủng virus cúm gia cầm lưu hành, bao gồm: A/H5N1, A/H5N6 và đặc biệt từ giữa tháng 6/2021 xuất hiện chủng virus A/H5N8 lây lan tại 10 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 23.446 con gia cầm. Hiện nay, cả nước có 2 ổ dịch cúm gia cầm tại tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn chưa qua 21 ngày.

Các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vaccine. Các địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, trong thời gian tới nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 lây lan và gia tăng là rất cao do thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. 

Tổng đàn chăn nuôi gia cầm lớn, nhưng chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, chưa đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, chưa tiêm phòng vaccine. Tình hình giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước tăng cao.

Bên cạnh đó còn có nguy cơ xuất hiện một số chủng virus cúm gia cầm như A/H7N9, A/H5N2,... xâm nhiễm thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.

Về bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh đã xảy ra tại 50 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 93.261 con lợn, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Hiện cả nước có 354 ổ dịch tại 120 huyện của 33 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và phát sinh là rất cao, do chưa có thuốc, vaccine phòng bệnh. Trong khi đó, đặc điểm của virus này rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp.

Về bệnh lở mồm long móng, từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh đã xảy ra tại 86 xã của 18 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 3.373 con, số gia súc tiêu hủy là 340 con. Hiện cả nước có 1 ổ dịch lở mồm long móng ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên chưa qua 21 ngày.

Cục Thú y cũng cho biết, trong gần 9 tháng năm 2021, không có báo cáo ổ dịch tai xanh mới phát sinh tại các địa phương. Về vaccine phòng bệnh, từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị đã cung ứng 22 triệu liều. Trong kho hiện còn 3,1 triệu liều và dự kiến các tháng cuối năm 2021 sản xuất, nhập khẩu 14,6 triệu liều.

Về bệnh viêm da nổi cục, từ đầu năm đến nay, bệnh đã xảy ra tại 3.936 xã của 51 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh là 187.970 con, số gia súc tiêu hủy là 24.890 con. Cả nước đang có 969 ổ dịch tại 183 huyện của 32 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao. Bởi,  một số địa phương chưa triển khai quyết liệt, đồng bộ, xử lý dứt điểm và tiêu hủy gia súc khi mới xuất hiện dịch bệnh. Trong khi đường truyền lây đa dạng, phức tạp, khó kiểm soát, đặc biệt lây lan thông qua các véc tơ truyền bệnh như: ruồi, muỗi, ve, mòng hút máu, truyền bệnh…

Điều kiện các hộ chăn nuôi, nhất là tại các tỉnh miền núi còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Giá trị kinh tế của trâu, bò là khá cao nên đã có tình trạng người chăn nuôi ở một số địa phương bán chạy, giết mổ gia súc bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Long, việc phòng, chống dịch bệnh động vật thời gian qua bị ảnh hưởng rất lớn do dịch COVID-19, nhất là việc tổ chức tiêm các loại vaccine phòng bệnh bị hạn chế, thậm chí nhiều nơi không tiêm được.

Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật các tháng cuối năm tăng mạnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số. Cùng với thời tiết biến động bất lợi như mưa, rét ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan.

Vì vậy, trong thời gian sắp tới, để tránh tình trạng dịch chồng dịch (dịch bệnh động vật và dịch COVID-19), các địa phương, đơn vị tập trung nguồn lực để tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Các địa phương cần có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, bao gồm: kinh phí mua vaccine để tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm; chi trả công tiêm; kinh phí mua thuốc diệt côn trùng…

Các địa phương, đơn vị tổ chức giám sát chặt việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển trâu, bò.

"Các địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bởi phòng dịch tốt thì không phải chống dịch", ông Nguyễn Văn Long cho hay.

Cục Thú y sẽ tiếp tục tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vaccine phòng bệnh; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng vaccine để tiêm phòng khẩn cấp chống dịch.

Cục sẽ tiếp tục cử các đoàn công tác đến các địa phương có dịch bệnh, địa phương có nguy cơ cao để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và hỗ trợ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục