Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín Việt Nam năm 2021

17:31' - 21/12/2021
BNEWS Với tiềm năng phát triển, ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành, nhất là các doanh nghiệp FDI tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành.

Căn cứ vào việc đánh giá năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất, uy tín truyền thông của doanh nghiệp và kết quả khảo sát doanh nghiệp từ các đối tác liên quan được thực hiện trong tháng 11 vừa qua, ngày 21/12, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Bảng xếp hạng Top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2021.

 

Theo đó, danh sách bao gồm: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Cargill Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH De Heus, Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty cổ phần Việt Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc Proconco (Văn Phòng Masan), Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin và Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà.

Chăn nuôi là một trong những ngành kinh tế quan trọng, nhiều tiềm năng của Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam cũng tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân từ 13%-15%/năm.

Dẫn nguồn Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã tăng lên gần gấp đôi từ 10,8 triệu tấn năm 2010, lên mức 20,3 triệu tấn vào năm 2020. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, vượt qua cả Thái Lan và Indonesia. Với tiềm năng phát triển cao, ngành thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp gia nhập ngành; nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang không ngừng mở rộng quy mô, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành. 

 Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi trong năm 2021, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report cho hay, trước tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tại các bếp ăn công nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn và làm cho giá đầu ra của sản phẩm chăn nuôi giảm tương đối sâu. Điều này không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi, mà còn khiến những đại lý kinh doanh thức ăn gia súc, doanh nghiệp sản xuất thức ăn gặp nhiều khó khăn.

Cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu bởi ngành vận tải biển và đường bộ gặp khó khăn ở khâu kiểm soát dịch bệnh khắt khe tại các nước xuất khẩu, chi phí vận chuyển tăng tương đối nhiều dẫn đến chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng từ 20-30%, khiến cho giá thành sản phẩm cũng tăng theo.

Tại Việt Nam, chi phí thức ăn chiếm khoảng từ 80-85% giá thành chăn nuôi, trong khi nguồn cung thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc khoảng 70-80% từ nhập khẩu với các mặt hàng như ngô, lúa mì, đậu tương. Tuy chịu tác động của đại dịch COVID-19 nhưng trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu vẫn tiếp tục gia tăng và đã đạt gần 4,14 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Thêm nữa, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phải chi nhiều hơn cho các biện pháp phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho nhân viên và hoạt động của doanh nghiệp; trong đó, bao gồm chi phí xét nghiệm, chi phí thực hiện phương án 3 tại chỗ, hỗ trợ người lao động nằm trong khu cách ly, khu phong tỏa, chi phí tăng ca do thiếu hụt lao động... Trước những áp lực gia tăng chi phí trong khi giá sản phẩm bán ra lại không tăng tương ứng đã tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report đã ghi nhận, 85,71% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh năm 2021 bị xấu đi một chút. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đã tái cơ cấu hoạt động, nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh để cung cấp cho người chăn nuôi những sản phẩm chất lượng và tiến lên phía trước.

Tuy nhiên, đánh giá về triển vọng của ngành thức ăn chăn nuôi trong năm 2022, 57,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định rằng, ngành này sẽ tăng trưởng khả quan và tốt hơn; 14,29% đánh giá sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng. Trong khi đó, 28,57% đánh giá tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút do những lo ngại về đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục gây ra nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi, chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, giá sản phẩm chăn nuôi bán ra vẫn ở mức thấp có khả năng hạn chế tăng trưởng sản xuất, mở rộng tái đàn. 

Sự tăng trưởng mạnh của thị trường thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới cũng sẽ được thúc đẩy bởi chiến lược tăng trưởng của các công ty lớn dưới hình thức mở rộng và đầu tư, tăng tốc sản xuất thức ăn chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng nhằm đa dạng danh mục sản phẩm và tiếp cận được các thị trường mục tiêu mới.

Thêm vào đó, tỷ lệ các hộ chăn nuôi chuyển đổi từ chăn nuôi hình thức nhỏ lẻ sang chăn nuôi có tổ chức theo quy mô trang trại ngày càng tăng cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy cơ hội tăng trưởng thị trường thức ăn chăn nuôi trong những năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục