Chất lượng lao động thấp gây trở ngại tới phát triển nông thôn

17:11' - 09/10/2017
BNEWS Chất lượng lao động thấp đang là trở ngại lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn nói chung và phát triển ngành mới, nghề mới tạo việc làm cho người lao động.
Họp báo Công bố kết quả chính thức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Chiều 9/10, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo Công bố kết quả chính thức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2016 đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu và nội dung được giao trong Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 31/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tin thu thập được đã phản ánh thực trạng và động thái kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông lâm thủy sản 5 năm 2011-2016 với những thành tựu cơ bản như: kinh tế nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng; cơ cấu sản xuất có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường nông thôn được tăng cường cả về số lượng và chất lượng và an sinh xã hội được đảm bảo, có những mặt được cải thiện.

Bà Nguyễn Thị Hương, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản, Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng điều tra nông nghiệp nông thôn và thủy sản năm 2016 được tiến hành trên phạm vi cả nước vào thời điểm 1/7/2016 theo Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 31/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Cuộc tổng điều tra có quy mô lớn liên quan tới 8.978 xã và 79.898 thôn; gần 16 triệu hộ nông thôn và trên 1 triệu hộ thành thị hoạt động nông, lâm nghiệp, diêm dân và thủy sản; gần 33,5 nghìn trang trại và nhiều đơn vị điều tra khác.

Cuộc tổng điều tra còn thu thập xử lý, tổng hợp và cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản được lồng ghép trong điều tra doanh nghiệp năm 2016 của Tổng cục Thống kê.

Tại buổi họp báo, Tổng cục Thống kê đã chỉ ra, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Theo đó, trong 5 năm 2011-2016, các cấp, các ngành, Trung ương đến địa phương đã triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Bộ mặt nông thôn có sự biến đổi sâu sắc, nhất là kết cấu hạ tầng.

Sau nhiều năm đẩy mạnh đầu tư và triển khai quyết liệt, hệ thống cung cấp điện đã vươn tới tất cả các xã và hầu hết các thôn. Tỷ lệ xã có điện tăng từ 99,8% năm 2011 lên 100% năm 2016. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa điện tới tất cả các thôn. Hệ thống cung cấp nước sạch tiếp tục được đầu tư xây dựng.

Cùng với việc xây dựng công trình cấp nước, các địa phương còn chú trọng xây dựng hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung. Năm 2016 đã có 3.210 xã và 19.500 hộ có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung, chiếm 35,8% tổng số xã và 24,4% tổng số thôn.

Bên cạnh đó, hệ thống tín dụng, ngân hàng thực sự trở thành nguồn cung ứng vốn quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Tại thời điểm tổng điều tra, khu vực nông thôn có 1.806 xã có ngân hàng, chi nhánh ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động, chiếm 20,1% tổng số xã.

Ngoài ra, hệ thống thủy nông được xây dựng mới và hoàn thiện; mạng lưới khuyến nông, khuyến ngư ở các địa phương được củng cố. Các dịch vụ hỗ trợ khác cũng phát triển rộng khắp. Hệ thống chợ truyền thống và chợ dân sinh được củng cố, góp phần đẩy mạnh giao lưu hàng hóa trên địa bàn nông thôn.

Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dần sang các hoạt động phi nông, lâm nghiệp và thủy sản thể hiện trước hết ở sự chuyển dịch cơ cấu hộ.

Năm 2016, khu vực nông thôn có 8,58 triệu hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 53,7% tổng số hộ, giảm 8,5 điểm phần trăm so với năm 2011; 6,4 triệu hộ phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 40% tổng số hộ và tăng 6,6 điểm phần trăm; 1,01 triệu hộ khác, chiếm 6,3%, tăng 1,9 điểm phần trăm.

Phân bổ lao động làm việc trong những năm vừa qua cũng thể hiện việc cơ cấu lại kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng khu vực phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn thể hiện ở sự chuyển dịch cơ cấu hộ theo thu nhập.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Quang Vinh cũng cho biết về những hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn hiện nay như: kết cấu hạ tầng của một số địa phương vẫn còn yếu kém; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm nên kinh tế nông thôn chủ yếu vẫn là kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Chất lượng lao động thấp đang là trở ngại lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn nói chung và phát triển ngành mới, nghề mới tạo việc làm cho người lao động. Đời sống một bộ phân dân cư nông thôn còn khó khăn, nhất là dân cư vùng núi, rẻo cao, vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh đó, mặc dù, sản xuất được cơ cấu lại theo hướng mở rộng quy mô, nhưng sản xuất nhỏ vẫn phổ biến. Số doanh nghiệp và hợp tác xã tăng và số hộ liên tục giảm, nhưng đến nay hộ vẫn là đơn vị sản xuất cơ bản, chiếm tỷ trọng lớn.

Việc đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất còn hạn chế; hiệu quả của hầu hết các loại hình tổ chức sản xuất, các ngành, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung vẫn thấp…/.

>>> Xây dựng quy hoạch phát triển khai thác hải sản xa bờ toàn quốc đến năm 2020

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục