Châu Á: “Trái tim đang đập” của kinh tế thế giới hậu COVID-19

05:30' - 16/03/2021
BNEWS Bài phân tích trên trang Thinkchina.sg ngày 9/3 nhận định giữa “bầu trời u ám” của nền kinh tế thế giới, vẫn có chỗ cho sự lạc quan ở khu vực châu Á giai đoạn hậu COVID-19.

Nhận định này được đưa ra dựa trên những đánh giá cho rằng đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đã thúc đẩy những thay đổi mang tính cơ cấu trong bức tranh kinh tế của khu vực đang ngày càng phát triển, và đã tạo ra những cơ hội lớn hơn để mở đường cho sự phục hồi mạnh mẽ của châu Á trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

* Toàn cầu hóa đang nhường đường cho khu vực hóa

Ở châu Á, ngày càng có nhiều lý do giải thích cho tinh thần lạc quan này bởi đây là châu lục chiếm đến hơn một nửa dân số thế giới và sở hữu một tầng lớp trung lưu đang phát triển.

Toàn cầu hóa đang nhường đường cho khu vực hóa. COVID-19 và các hoạt động địa chính trị đã thúc đẩy những thay đổi chấn động trong bức tranh kinh doanh của khu vực châu Á, phần lớn trong số đó mang tính cơ cấu và lâu dài. Những thay đổi căn bản này đang diễn ra trong các cách tiếp cận chuỗi cung ứng, các hiệp định thương mại, các mô hình kỹ thuật số và tiêu dùng cũng như sự đổi mới về tài chính.

Mặc dù COVID-19 đã cản trở sự tiến bộ, nhưng thế giới đã chứng kiến các nhà hoạch định chính sách của khu vực hành động một cách quyết đoán để giảm bớt tác động, bảo vệ các nền kinh tế khỏi sự tàn phá tồi tệ nhất. Như hiện nay, châu Á đang phục hồi nhanh hơn so với các khu vực khác của thế giới.

Các nghiên cứu đánh giá tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực châu Á sẽ đạt 7,5% vào năm 2021, trong đó tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ đạt lần lượt 8% và 10%, dẫn đầu đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Đánh dấu sự hồi sinh của khu vực châu Á là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường thương mại nội bộ trong khu vực châu Á, vốn chiếm một nửa khối lượng thương mại của toàn khu vực. Với việc làm hài hòa các tiêu chuẩn thương mại, khả năng kết nối bổ sung của RCEP được kỳ vọng sẽ tăng cường mối liên hệ trong hành lang Bắc-Nam đang phát triển nhanh chóng.

Ngoài ra, những thay đổi về chuỗi cung ứng do căng thẳng Mỹ-Trung, bổ sung cho động cơ vốn đã được tăng cường của cơ sở tiêu dùng đang nổi lên ở châu Á, sẽ mang lại một sự tái cân bằng cơ cấu giữa các hành lang thương mại toàn cầu.

Những tiến bộ khác – trong đó có khả năng kết nối tăng cường bên trong khu Vùng vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong (Trung Quốc)-Macau (Trung Quốc) và trên khắp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – sẽ tiếp thêm luồng sinh khí.

* Tái thiết kế châu Á

Xét cho cùng, châu Á đang có một vị thế khác so với giai đoạn cách đây một năm. COVID-19 đã tạo ra những thay đổi mang tính cơ cấu, nhưng chính những thay đổi này đang đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp.

Thông qua những lăng kính rộng hơn, ta thấy ở châu Á, những động lực mới về chuỗi cung ứng và sự đổi mới sáng tạo kỹ thuật số đã tạo ra công ăn việc làm, thay đổi những nhu cầu về kỹ năng và tái tạo các nền kinh tế.

Trải qua sự mong manh ngày càng tăng của chuỗi cung ứng quốc tế trong năm qua, các doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi đã thiết kế lại cách tiếp cận của họ theo hướng tăng trưởng bền vững.

Với thực tế sự chắc chắn về nguồn cung giờ đây được đánh giá cao như chi phí và tốc độ tiếp cận thị trường, các bên tham gia chuỗi cung ứng đã tái cân bằng ưu tiên của họ, tập trung vào mô hình sản xuất đề phòng rủi ro "Just-in-Case" (JIC) với sự nhấn mạnh lớn hơn vào khả năng tự cung tự cấp và tính kết nối của doanh nghiệp.

Ngoài ra, dịch bệnh cũng đã đưa quá trình chuyển đổi số vào vị trí trung tâm, buộc các bên tham gia truyền thống cũng như các bên tham gia mới phải điều chỉnh công nghệ nhằm đảm bảo khả năng chống chịu và tính bền vững. Mọi thứ từ giáo dục, mua sắm, lương thực thực phẩm và chăm sóc sức khỏe đều đang chuyển sang hình thức trực tuyến.

Trong bối cảnh đó, châu Á đã vượt Bắc Mỹ và Tây Âu về thị phần bán lẻ thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia.

Các chính phủ cũng đang đẩy nhanh kết nối kỹ thuật số, ví dụ sự ra đời của đồng tiền số của Trung Quốc, Nền tảng thương mại mạng lưới của Singapore và Kết nối thương mại điện tử của Hong Kong. Tất cả đều nhằm mục đích đem lại sự kết nối lớn hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng chảy thương mại và thanh toán.

Các chuyên gia cho rằng chỉ đến năm sau thôi, thế giới có thể sẽ rất khác so với hiện nay, giống như những thay đổi tương tự trong 12 tháng qua. Ở trung tâm của một châu Á đang hồi sinh sẽ là động lực số hóa đang thay đổi nhanh chóng và hiện chưa có bên tham gia kinh doanh đơn lẻ nào thống trị bất kỳ lĩnh vực nào ở châu Á như Google, Amazon hay Apple thống trị ở Mỹ và trên toàn thế giới.

Việc nhận ra được sự tồn tại khoảng cách này là chìa khóa và sẽ mở ra những cơ hội tiềm năng có sẵn. Các doanh nghiệp hành động dựa trên những gì những điều kiện riêng biệt ở châu Á ngày hôm nay có thể nổi lên như những nhà lãnh đạo trong tương lai. Và điều đó củng cố yếu tố khác, đó là thời gian là điều cốt yếu và lợi thế của người đi trước là có thật.

Nhận thức được điều này, các bên tham gia có triển vọng khi đó cần tiếp cận thị trường với tâm lý mạnh mẽ, thống trị. Các công ty hiện đang hướng tới việc điều chỉnh các chiến lược của họ, đồng thời tính đến những thay đổi cơ cấu sâu sắc đang diễn. 

Sự thành công ở châu Á là không dễ dàng. Rất nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào các nhân tố khách quan, trong đó có sự ổn định khu vực, quan hệ Mỹ-Trung, tốc độ kiểm soát dịch bệnh và việc các chính phủ thực hiện như thế nào các chính sách công của họ. Ngoài ra, châu Á cũng phải đối mặt với những rủi ro đáng kể của tình trạng biến đổi khí hậu, nơi khả năng của các lĩnh vực công và tư trong việc cân nhắc yếu tố bền vững khi tạo ra tăng trưởng kinh tế dài hạn có ý nghĩa quan trọng.

Gạt những sự cảnh báo sang một bên, các chuyên gia cho rằng châu Á là “trái tim đang đập” của thế giới và chắc chắn khu vực này sẽ thúc đẩy sự sôi động trở lại của kinh tế thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục