Châu Âu lên kế hoạch B cho thỏa thuận EU – Thổ Nhĩ Kỳ

21:32' - 10/05/2016
BNEWS Một số nước châu Âu đang âm thầm tìm kiếm “kế hoạch B” cho thỏa thuận về người tị nạn giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ.
Châu Âu lên kế hoạch B cho thỏa thuận EU – Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang muốn thử nghiệm ranh giới những gì có thể làm với Liên minh châu Âu (EU) và khiến thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn giữa khối này với Ankara không chắc chắn có thể thành công, một số nước châu Âu đã bắt đầu tìm kiếm những “kế hoạch B” cho thỏa thuận này. 

Truyền thông Đức cho rằng việc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu – người được cho là “kiến trúc sư” của thoả thuận trên và có quan hệ khá tốt đẹp với Thủ tướng Đức Angela Merkel -thông báo từ chức đã làm dấy lên những nghi ngờ rằng liệu Tổng thống Erdogan còn sẵn lòng thực thi phần trách nhiệm của mình trong thoả thuận này hay không.

Theo báo Đức “Hình ảnh” (Bild) số ra ngày 9/5, phòng trường hợp ông Erdogan để thoả thuận đổ vỡ, lãnh đạo chính phủ “một số nước EU” đã tiến hành thảo luận về những lựa chọn mới nhằm thay thế thoả thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trong số này có giải pháp để Hy Lạp làm đối tác chính tháo gỡ khủng hoảng người tị nạn thay vì Thổ Nhĩ Kỳ. Theo cách này, những “giải pháp điểm nóng” đã có sẽ tiếp tục được xây dựng trên các đảo ở Hy Lạp và những đảo này sẽ trở thành “trung tâm tiếp nhận người tị nạn trọng điểm”. Người tị nạn được tiếp nhận tại các đảo này, được đăng ký và trong trường hợp cần có thể bị trục xuất trực tiếp về quê hương.

Ngoài ra, trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ không thực thi thoả thuận đã ký kết, EU sẽ ngừng cấp khoản tín dụng như đã cam kết cho Ankara và khoản tiền này sẽ được chuyển sang cho Hy Lạp.

Chuyên gia về chính sách đối ngoại của đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU), Nghị sĩ Quốc hội liên bang Karl-Georg Wellmann nói rằng thoả thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đổ vỡ nếu ông Erdogan không tuân thủ thoả thuận.

Ông nhấn mạnh châu Âu phải tự lo bảo vệ mình, đó là tiếp tục bảo vệ biên giới ngoài EU, xử lý tại chỗ các trường hợp tị nạn ngay trên các đảo thay vì trong đất liền, cũng như trục xuất các trường hợp tị nạn bất hợp pháp. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục