Châu Âu quay cuồng trong "bão giá"

05:30' - 11/04/2022
BNEWS Báo Tầm Nhìn (Nga) số ra mới đây có bài viết cho biết một ổ bánh mì ở châu Âu sắp tới sẽ có giá 10 euro, tức là khoảng 240.000 đồng.
Các phương tiện truyền thông châu Âu đã đưa ra những dự báo này và mô tả tình trạng lạm phát nghiêm trọng đã bao trùm lên Liên minh châu Âu (EU) do các hạn chế thương mại với Nga. Câu hỏi đặt ra lúc này là hàng hóa nào bị ảnh hưởng chủ yếu bởi việc tăng giá, ở mức độ nào, và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Sự tăng giá tiêu dùng ở châu Âu có một đặc điểm là toàn diện và giống như “tuyết lở”. Hầu hết chính phủ các quốc gia thành viên EU đều giải thích cho người dân hiểu lý do của những gì đang xảy ra bằng dòng chữ “do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine”.
Trên thực tế, một phân tích về sự phát triển kinh tế của Liên minh châu Âu và Anh cho thấy “sự can thiệp” không gì khác hơn một tấm bình phong, mà đằng sau đó, các chiến lược gia châu Âu đang cố gắng che giấu đi những tính toán sai lầm của mình. Kết quả những toan tính viển vông của các chính trị gia đã khiến kinh tế EU gặp những thất bại, và gây ra sự hỗn loạn.
Ví dụ, tại Tây Ban Nha, vào đầu tháng 3/2022, dầu hướng dương gần như tăng giá gấp ba lần. Các nhà chức trách thừa nhận điều này, song ngay lập tức lưu ý rằng trong hai tuần tới, mức giá cao như vậy sẽ không lặp lại, điều này cho thấy sự phục hồi ổn định trong lĩnh vực thực phẩm của nền kinh tế nhà nước.
Tuy nhiên, độc giả của các tờ báo Tây Ban Nha lại ít chú ý đến sự kiện này. Thay vào đó, họ nhấn mạnh trong các bình luận rằng chính phủ nhận thức rõ hậu quả thảm khốc của các chính sách giảm diện tích trồng trọt được theo đuổi trong những năm gần đây để đi theo lộ trình được vạch ra của “thoả thuận xanh vĩ đại”.
Các nhà phát triển lý luận chuyển đổi năng lượng châu Âu cho rằng mọi thứ do nông dân trồng đều gây ô nhiễm môi trường (phân bón làm hỏng đất, khí thải làm hỏng bầu khí quyển). Và nếu điều đó là đúng thì tại sao châu Âu lại phải huỷ hoại đất đai của mình nếu họ có thể mua mọi thứ cần thiết từ Nga và Ukraine?
Theo số liệu của ấn phẩm El Mundo, “Ukraine đã cung cấp cho Tây Ban Nha 30% lượng ngô mà bang Iberia tiêu thụ, 17% lúa mỳ, 60% dầu hướng dương và 31% thực phẩm. Ấn phẩm này cho biết để cứu vãn tình hình, Tây Ban Nha “đã phải nới lỏng các yêu cầu kiểm dịch thực vật để chấp nhận ngô từ Argentina và Brazil”.
Mối quan tâm đến mảnh đất quý giá ở châu Âu đã cao đến mức người nông dân Catalan đã phải giết đàn bò của họ vì thức ăn ít hơn, chi phí cao hơn trong khi nhà nước chưa tăng giá mua sữa và thịt do lo sợ bùng nổ sự bất mãn của người tiêu dùng.
Bức tranh ở Đức có vẻ đáng ngại hơn nữa. Trong bối cảnh người dân chi tiêu cho thực phẩm ngày càng tăng, các phương tiện truyền thông tích cực dự đoán giá một ổ bánh mì sẽ tăng lên 10 euro và khiêm tốn nói thêm rằng “đây còn chưa phải là giới hạn”.
Thực tế là trong trường hợp Đức từ chối mua khí đốt của Nga, một trong những trụ cột của ngành công nghiệp hoá chất Đức sẽ ngừng hoạt động và phá sản. 
Tờ Deutsche Welle trích lời của ông Time Wolmershauser, người đứng đầu bộ phận dự báo thị trường của Viện Nghiên cứu Kinh tế Munich IFO: “Xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá cả của không chỉ các mặt hàng năng lượng mà còn nhiều loại nguyên liệu nông nghiệp tăng mạnh. Do đó, lạm phát ở Đức năm nay sẽ vượt ngưỡng 5% một cách đáng kể”.
Lần gần nhất, một tình huống tương tự xảy ra ở Đức là hơn 40 năm trước, vào năm 1981, khi lạm phát tăng vọt lên 6,3% do hậu quả của cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ hai.
Trong bối cảnh các tuyên bố của một số chuyên gia về khả năng lạm phát tăng phi mã ở Mỹ, “được dự báo ở mức hai con số”, mức tăng giá dự kiến ở Đức có vẻ còn là vừa phải.
Cuối tháng 3/2022, trang web của Cơ quan Thống kê Liên bang của Đức (Destatis) đã báo cáo tỷ lệ lạm phát ở mức 7,3% so với tháng 3/2021. Đồng thời, giá thực phẩm ở Đức trong tháng 1 năm nay cao hơn so với tháng trước 21,7%.
Tại Pháp, lạm phát hàng năm trong tháng 3 lên tới 5,1%, những vẫn khả quan hơn so với Đức. Mặc dù vậy, con số này không sát với thực tế. Vào tuần trước, chỉ trong hai ngày, giá nhiên liệu động cơ ở nước này đã tăng đến 30%. Và chỉ trong hai tháng gần đây, mức sống nói chung đã tăng giá 2,6%.
Ở Anh, trong giai đoạn từ tháng 2/2021 đến tháng 2/2022, tỷ lệ lạm phát là 6,2%. Hãng tin BBC lưu ý: “Mức sống ở Anh đang tăng giá với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm. Đến cuối năm nay, mức tăng giá sinh hoạt có thể được tính bằng hai con số”.
Theo chuyên gia lương thực Ged Futter, “thực phẩm tại Anh sẽ tăng giá ít nhất 15% vào cuối năm”. Giá trái cây và rau quả tại Vương quốc Anh trong những tháng đầu năm 2022 đã tăng trung bình 30%, dầu thực vật tăng 70%. Cơ quan quản lý năng lượng Anh (Ofgem) đã chính thức cho phép tăng 50% hóa đơn của các hộ gia đình. Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ phải chi nhiều hơn 620 bảng Anh cho tiền điện vào năm 2022 so với năm 2021.
Dẫn đầu về tình trạng tăng giá ở châu Âu là Italy. Cũng như các nước châu Âu khác, giá dầu hướng dương tại nước này đã tăng 19% trong tháng Hai và 23,3% trong tháng Ba. Nằm trong top ba mặt hàng tăng giá nhiều nhất trong tháng 3 là rau, trái cây tươi (17,8%) và bơ (17,4%). Mỳ ống, hải sản, cá, thịt gà, kem… cũng tăng hơn 10% trong tháng này.
Tất nhiên, sự tăng giá khí đốt một cách bùng nổ trước hết sẽ dẫn đến việc tăng chi phí năng lượng, vốn là chất xúc tác cho sự tăng giá của các sản phẩm trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế châu Âu.
Hiện 1 megawatt điện năng ở Đức đắt hơn 5,4 lần so với biểu giá cũ của hơn 1 năm trước, của Italy đắt hơn 5 lần, của Anh đắt hơn 4,5 lần và ở các nước Bắc Âu đắt hơn 4,2 lần.
Tuy nhiên, không phải tất cả các hộ gia đình ở châu Âu sẽ trả tiền điện nhiều hơn đến 4-5 lần so với một năm trước. Chính phủ của một số nước (đặc biệt là Tây Ban Nha và Pháp) đã phải chuyển phần lớn chi phí xã hội để trả cho năng lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, đây không phải là cách để giải quyết thảm hoạ kinh tế hiện nay.
Tất cả đều nhận thức rõ rằng những biện pháp đang được áp dụng sẽ không thể ngăn chặn đà tăng đối với các sản phẩm và dịch vụ. Do chi phí điện cao để sản xuất hàng hoá, chi phí sản xuất, đóng gói, giao hàng và các điểm bán lẻ đều tăng. Điều này có nghĩa là người mua sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho những thứ họ sử dụng so với trước đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục