Châu Âu tăng cường đoàn kết trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20

14:53' - 05/07/2017
BNEWS Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại Hamburg được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn với các chủ đề gai góc như công nhận tự do thương mại, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và vấn đề di cư.
Châu Âu tăng cường đoàn kết trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Reuters

Nhật báo Le Figaro (Pháp) mới đây đăng bài của tác giả Nicolas Barotte với tựa đề “Đối mặt với Trump, Merkel và Macron muốn đoàn kết châu Âu”. Tại hội nghị hẹp của Liên minh châu Âu (EU) vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thể hiện như những người chỉ huy khi ngồi ở vị trí trung tâm.

Phía bên phải họ là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Phía bên trái là Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.

Tất cả các nhà lãnh đạo này đều được Thủ tướng Đức Merkel mời tham dự Hội nghị cấp cao 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại Hamburg, Đức. Rõ ràng là các lãnh đạo châu Âu dù có tham dự hay chỉ ủng hộ hội nghị G20 cũng đều đã thể hiện một mặt trận thống nhất. Họ có một đối thủ chung: Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là như vậy.

Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia giàu có nhất hành tinh, dự kiến diễn ra trong hai ngày 7-8/7 tại Hamburg, được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Trong các chủ đề gai góc - như công nhận tự do thương mại, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan đến người di cư - ranh giới giữa châu Âu và Mỹ vẫn chưa rõ ràng.

Bà Angela Merkel thừa nhận: "Chúng tôi sẽ không che giấu những khác biệt", nhưng Mỹ vẫn là "một đối tác quan trọng". Hồi cuối tháng 5/2017, bà Merkel từng nhận định rằng thời kỳ tin tưởng lẫn nhau với Washington "sắp chấm dứt".

Trong số tất cả các lãnh đạo hiện nay, bà Merkel là người tiềm ẩn nguy cơ đối đầu trực tiếp nhất với Tổng thống Mỹ. Bà cũng là người duy nhất tham gia tất cả các Hội nghị G20 kể từ năm 2008.

Trong bài diễn văn tại Quốc hội Đức mới đây, Thủ tướng Merkel một lần nữa nhắc lại: "Những người nghĩ rằng có thể giải quyết các vấn đề của thế giới bằng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa biệt lập đang mắc một sai lầm rất lớn". Bà Merkel cũng thể hiện "quyết tâm" bảo vệ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Bên cạnh bà Merkel, Tổng thống Pháp Macron đóng vai trò là một đối tác hòa giải hơn. Ông Macron thừa nhận "chúng tôi có thể có nhiều bất đồng" với Mỹ, nhưng ông cũng nhắc lại rằng châu Âu và Mỹ vẫn hợp tác chặt chẽ với nhau trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và trong nhiều lĩnh vực khác.

Pháp và Đức dự kiến sẽ đóng vai trò "đầu tàu" của EU sau khi Anh rời khỏi liên minh này. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp đã mời ông Trump thăm Pháp và dự lễ Quốc khánh 14/7. Tổng thống Macron giải thích rằng "đây là một cách để tái khởi động mối quan hệ trong chiều sâu lịch sử của nó" và mong muốn "không phá vỡ các cuộc thảo luận".

Châu Âu đã trải qua một thời gian dài với nhiều phức tạp để kết nối với chính quyền mới của Mỹ và cho đến nay quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương vẫn còn căng thẳng. Hiện khó có thể đạt được một tuyên bố chung tại hội nghị G20 sắp tới.

Bà Merkel khẳng định sẽ tìm kiếm "giải pháp chung", nhưng "không muốn suy đoán" về khả năng đạt được tuyên bố chung trong khuôn khổ hội nghị G20 sắp tới. Tổng thống Pháp thì mềm mỏng hơn và cho rằng “thật là vô ích để cô lập một nhà nước. Nhưng đối với chủ đề khí hậu, châu Âu không muốn nhân nhượng”.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố: "Hiện không có chiến lược chống lại Mỹ và chắc chắn không phải từ Chính phủ Đức. Tuy nhiên, cũng có một số nhà chiến lược Mỹ đưa ra những kế hoạch chống châu Âu và chống Đức". Đối mặt với nguy cơ này, bà Merkel và ông Macron muốn thống nhất các quan điểm và vị trí của châu Âu.

Nhiệm vụ này sẽ không hề dễ dàng bởi không phải các quốc gia Đông Âu nào cũng đều đồng ý với mong muốn của Pháp và Đức, và ông Trump sẽ tìm cách tận dụng nó. Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ tới Ba Lan trước khi đến Hamburg.

Hơn nữa, người châu Âu sẽ không chỉ phải đối mặt với Mỹ ở Hamburg, mà còn cả Nga hoặc Trung Quốc. Tổng thống Macron tin rằng kết quả của hội nghị lần này là vấn đề vẫn bỏ ngỏ và "nó phụ thuộc vào tài năng của Merkel". Tại hội nghị G20 này, vai trò lãnh đạo của bà Merkel dường như không thể tranh cãi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục