Châu Phi hướng tới việc ra mắt đồng tiền chung

09:56' - 09/06/2023
BNEWS Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đã đồng ý giúp AU huy động các nguồn lực để thành lập Viện Tiền tệ châu Phi.

Ngày 8/6, Ủy viên Liên minh châu Phi (AU) về phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, công nghiệp và khoáng sản Albert Muchanga cho biết lục địa này đang đi đúng hướng với kế hoạch ra mắt đồng tiền chung của châu Phi.

 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh của Khối Thị trường chung khu vực Đông và Nam châu Phi (COMESA) lần thứ 22 diễn ra tại thủ đô Lusaka của Zambia, ông Muchanga cho biết thêm các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên đã thông qua tiêu chí kinh tế vĩ mô tập trung vào năm 2021 như một phần trong nỗ lực hướng tới việc có một đồng tiền chung của châu Phi.

Theo ông Muchanga, các tiêu chí sẽ do Viện Tiền tệ châu Phi có trụ sở chính tại Nigeria thực hiện. Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đã đồng ý giúp AU huy động các nguồn lực để thành lập Viện Tiền tệ châu Phi. Một khi Viện Tiền tệ châu Phi bắt đầu hoạt động, tất cả các quốc gia thành viên AU sẽ phải báo cáo về việc thực hiện kinh tế vĩ mô tập trung.

Trước đó, Tổng thống Kenya William Ruto đã bày tỏ lo ngại rằng sự chênh lệch về tiền tệ đang tạo ra rào cản đối với việc thúc đẩy thương mại nội khối châu Phi. Mặc dù thừa nhận rằng đã có sự ra đời của một số cơ sở hạ tầng thanh toán khu vực trên lục địa, nhưng Tổng thống Kenya cho rằng việc thiếu một hệ thống duy nhất tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại cũng như các loại tiền tệ khác nhau là những trở ngại cần được giải quyết.

Ông nhấn mạnh: “Thương mại không thể diễn ra nếu không có các hệ thống thanh toán thống nhất và hiệu quả”.

Tổng thống Kenya cũng kêu gọi các quốc gia thành viên AU cân nhắc trao quyền cho liên minh trong các vấn đề thương mại, an ninh khu vực và toàn cầu cũng như các lĩnh vực khác mà châu Phi có thể hưởng lợi từ việc tham gia cùng nhau thay vì tham gia riêng lẻ.

Theo ông William Ruto, các nước thành viên nên coi các cải cách tại AU là "ưu tiên", đồng thời cảnh báo rằng nếu không có những hy sinh như vậy, tầm nhìn của AU, trong đó có Chương trình nghị sự 2063 sẽ khó trở thành hiện thực. Ông cũng cho rằng: “Chúng ta nên hợp nhất vị trí chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh AU và vị trí Chủ tịch Ủy ban AU thành một để tạo đủ đòn bẩy tham gia thay mặt cho châu Phi”.

Vị trí Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh AU là vai trò luân phiên, mang tính nghi lễ, được chia sẻ hằng năm giữa các nguyên thủ quốc gia và chính phủ. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban AU, hiện do nhà ngoại giao Chadian Moussa Faki Mahamat nắm giữ, là một vị trí được bầu 4 năm một lần và người được chọn sẽ điều hành Ban thư ký của AU. Chủ tịch Ủy ban AU đóng vai trò là người phát ngôn chính thức của khối này.

Thảo luận về cải cách AU bắt đầu vào năm 2016 khi Tổng thống Rwanda Paul Kagame được chọn để ủng hộ cải cách. Sau khi một nhóm gồm 9 chuyên gia khác do ông dẫn đầu xem xét các quy trình của AU, họ đã xác định được 19 lĩnh vực cần cải thiện bao gồm thu hẹp các ưu tiên, với sự phân chia vai trò rõ ràng giữa các cấu trúc, giúp Ủy ban AU hoạt động hiệu quả hơn, củng cố chế độ trừng phạt hiện tại của AU, cải thiện việc ra quyết định và có nguồn tài chính bền vững.

Kể từ đó, đã có một số thay đổi, bao gồm trao quyền tự chủ nhiều hơn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa-CDC), sáp nhập các phòng ban và khiến việc bầu chọn những người nắm giữ chức vụ gắn kết hơn với trình độ của các ứng cử viên. Tuy nhiên, đóng góp tiền tệ của các quốc gia thành viên vẫn được cho là còn nhiều vấn đề cần bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục