Chạy đua giải ngân vốn đầu tư công

16:07' - 14/01/2021
BNEWS Giải ngân vốn đầu tư công được xem là một trong những giải pháp căn cơ trong thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong bối cảnh dịch COVID-19.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Tp.Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 90% trở lên. Tuy nhiên, trên thực tế việc giải ngân rất khó khăn, khó đạt yêu cầu đề ra.

Trước tình hình đó, Tp.Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung, kiên trì triển khai các giải pháp để đảm bảo được kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021.

*Giải ngân cao gấp 1,7 lần

Theo UBND Tp.Hồ Chí Minh, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân tính đến hết ngày 31/12/2020 được Kho bạc Nhà nước thành phố xác nhận là gần 32.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách thành phố đã giải ngân gần 27.300 tỷ đồng, đạt 74,1% kế hoạch vốn đã giao; vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân gần 4.700 tỷ đồng, đạt 57,2% kế hoạch đã giao.

Đánh giá về kết quả này, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết: Kết quả giải ngân 12 tháng của niên độ ngân sách năm 2020 cao gấp 1,7 lần về giá trị tuyệt đối và cao hơn cả về tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ giải ngân đạt 18.540 tỷ đồng, tỷ lệ đạt 67,6%).

Tuy nhiên, so với yêu cầu của Chính phủ, của Lãnh đạo thành phố và bối cảnh hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu.

Nguyên nhân chủ yếu do tình hình triển khai và giải ngân vốn ODA chưa đảm bảo theo tiến độ, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của thành phố.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, trong 1 tháng còn lại của niên độ ngân sách năm 2020 (đến 31/1/2021), Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn, với mục tiêu tỷ lệ giải ngân cả năm 2020 đạt từ 90%, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt từ 95% trở lên theo chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố.

Về kế hoạch thực hiện vốn đầu tư công năm 2021, UBND Tp.Hồ Chí Minh đã có quyết định giao cho các địa phương, chủ đầu tư chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công năm 2021 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và Thành phố với tổng số vốn hơn  35.800 tỷ đồng; trong đó ngân sách thành phố gần 32.000 tỷ đồng.

Tổng số vốn phân bổ cho gần 3.500 dự án; trong đó có gần 3.000 dự án là vốn thực hiện dự án chuyển tiếp.

Trước đó, HĐND Thành phố cũng đã thông qua kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố năm 2021; trong đó giao UBND Tp.Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của từng số liệu, số vốn bố trí cho từng dự án; đảm bảo đúng nguyên tắc bố trí vốn.

Trước khi tiến hành phân khai bố trí vốn phải rà soát pháp lý của dự án, đủ điều kiện mới được bố trí vốn, đảm bảo cân đối vốn theo kế hoạch được giao.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố cần có giải pháp hữu hiệu trong quản lý nợ công của thành phố; kiên quyết không phân bổ kế hoạch vốn năm 2021 các dự án có phát sinh, thay đổi, cần điều chỉnh nhưng chưa điều chỉnh.

HĐND Thành phố cũng lưu ý cần đẩy nhanh tiến độ các dự án trường học, y tế, giao thông phục vụ dân sinh.

Đối với các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và các dự án có khối lượng khả năng hoàn thành trong năm cần ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, không để nợ đọng, người dân đồng ý giao đất nhưng không có nguồn vốn chi trả.

*Nhiều giải pháp quyết liệt

Để đảm bảo thực hiện hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, Tp.Hồ Chí Minh cũng tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Cụ thể, đối với dự án đã hoàn thành, các chủ đầu tư, nhà thầu nâng cao trách nhiệm thực hiện quyết toán dự án đảm bảo thời gian, nội dung biểu mẫu theo quy định.

Đối với dự án có khả năng hoàn thành năm 2021, các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn tất nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu; lập hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước thành phố khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm và không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Riêng dự án khởi công mới, các chủ đầu tư khẩn trương lập hồ sơ thiết kế và dự toán theo đúng quy định; phê duyệt và lựa chọn nhà thầu để sớm thi công dự án; phối hợp các ngành - các cấp đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đồng thời, tuân thủ nghiêm quy định của Luật Đấu thầu, đảm bảo đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đúng trình tự, thời gian quy định nhằm nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn.

Đặc biệt, nhằm đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công, Thành phố cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất nhằm đảm bảo thời gian thực hiện đúng như chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; trong đó, tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9/3/2020 của Chính phủ về việc, cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn Thành phố.

Mặt khác, Ủy ban nhân dân các quận huyện chủ động lập kế hoạch, tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án để đề xuất bố trí vốn phù hợp; không để xảy ra tình trạng dự án được bố trí vốn nhưng chậm thực hiện trình thẩm định, phê duyệt giá bồi thường dẫn đến chậm.

Một trong những giải pháp được Tp.Hồ Chí Minh tập trung triển khai là đẩy mạnh tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư công nhằm góp phần đưa hoạt động đầu tư công thực hiện có hiệu quả, đảm bảo đúng quy định.

Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư phải theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án, kiên quyết đề xuất điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để kiến nghị điều chuyển sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao và có khả năng hoàn thành dứt điểm trong năm hoặc dự án đã có khối lượng hoàn thành, tránh để việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn vào cuối năm.

Theo bà Mai, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đánh giá định kỳ hàng tháng, hàng quý tình hình thực hiện và tỷ lệ giải ngân của các cơ quan, đơn vị chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách thành phố; công khai danh sách các cơ quan, đơn vị giải ngân chậm để có các biện pháp, giải pháp xử lý kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách.

Ngoài ra, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản, người đứng đầu, chủ đầu tư dự án trong việc giải ngân, trường hợp tỷ lệ giải ngân tính đến hết năm kế hoạch 2021 đạt dưới 90% thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục