Quảng Ninh: Điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công

12:30' - 01/01/2021
BNEWS Việc giải ngân vốn đầu tư công được tỉnh Quảng Ninh coi là then chốt để thu hút đầu tư, tạo nền tảng phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Năm 2020 là năm cả nước chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trên nhiều lĩnh vực. Quảng Ninh nổi lên với nhiều thành tích cao như duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở 2 con số.

Để đạt được điều này, việc giải ngân vốn đầu tư công được tỉnh Quảng Ninh coi là then chốt để thu hút đầu tư, tạo nền tảng phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Dự án cầu Cửa Lục 1 nối khu vực Hạ Long với Hoành Bồ có tổng mức vốn đầu trên 2.100 tỷ đồng được xem là dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh.

Việc đầu tư xây dựng cây cầu trên góp phần phát triển và mở rộng không gian đô thị nhằm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố; góp phần kết nối giao thông và hình thành chuỗi du lịch rừng - biển đồng bộ, hấp dẫn, phát triển mạnh thế mạnh của địa phương…
Dự án cầu Cửa Lục 1 được khởi công vào tháng 4/2020 và được bố trí nguồn vốn khoảng 550 tỷ đồng trong năm 2020. Chỉ sau 8 tháng thi công, đến nay toàn bộ nguồn vốn bố trí xây dựng cầu của năm 2020 đã được giải ngân xong.
Ông Cao Ngọc Nam, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Cửa Lục 1 cho biết, tiến độ thự hiện dự án hiện đạt trên 1/3 giá trị sản lượng trên 1.500 tỷ đồng, so với kế hoạch của năm 2020, tiến độ đã đạt giá trị thực hiện.

So với tiến độ giá trị được giải ngân vốn ngân sách của tỉnh là 550 tỷ đồng thì đến nay đã giải ngân hết. Ngoài ra, khối lượng nhà thầu thi công dở dang đang được lên hồ sơ thanh toán chưa được giải ngân là 178 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Chinh, tư vấn giám sát trưởng cầu Cửa Lục I, hiện tại dự án đã đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch, tiến độ theo kế hoạch, theo hợp đồng; đã hoàn thành 7/19 trụ và 2 mố, dự kiến từ giờ đến hết tháng 1/2021 sẽ gác 4 nhịp, đến tháng 7 sẽ xong phần bê tông vòm thép, đến tháng 10 sẽ xong phần bê tông nhồi vòm và tháng 12 sẽ kết thúc công trình theo đúng hợp đồng.
Tính đến ngày 30/11, Quảng Ninh là một trong số địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, với khoảng 90% số vốn đã được thanh toán.
Theo kế hoạch đầu năm 2020, Quảng Ninh bố trí hơn 15,5 ngàn tỷ đồng đầu tư cho các dự án động lực, trọng điểm quan trọng của tỉnh để đưa nguồn vốn đầu tư công vào lưu thông, thúc đẩy nền kinh tế.
Với chủ trương “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, cứ 1 đồng đầu tư công, Quảng Ninh thu hút được 8 đến 9 đồng đầu tư tư.
Vì vậy, việc giải ngân đầu tư công có vai trò then chốt thu hút nguồn lực xã hội, thúc đẩy Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững. Với tư duy trên, Quảng Ninh có cách làm quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho hay, năm 2020 là 1 năm rất đặc biệt, Quảng Ninh vừa phải phòng chống đại dịch COVID-19 vừa phải thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy ngay từ đầu năm, tỉnh Quảng Ninh đã có rất nhiều giải pháp để mà giải ngân vốn đầu tư công, góp phần đẩy mạnh chi tiêu công để làm tăng trưởng kinh tế xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Quảng Ninh đã triển khai một loạt giải pháp như chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải thực hiện nghiêm túc, sớm phê duyệt thiết kế dự toán các dự án công trình đã được ghi vốn đầu tư cho năm 2020 và phải sớm hoàn thành việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công trước ngày 30/3/2020; đến ngày 30/6/2020 phải giải ngân tối thiểu 50% vốn đã được ghi đầu năm.

Nếu chủ đầu tư nào giải ngân thấp hơn sẽ điều chỉnh lại nguồn vốn từ công trình giải ngân thấp sang công trình giải ngân cao; đến ngày 30/9 tất cả dự án công trình được ghi vốn từ đầu năm phải giải ngân 100%.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh tăng cường giải phóng mặt bằng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung đền bù giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư và các điều kiện thuận lợi nhất để cho các nhà thầu thi công.

Ngoài việc cử cán bộ trực tiếp đến từng nhà dân tuyên truyền, thuyết phục thì với từng dự án, Quảng Ninh đều phát động các phong trào, chiến dịch để thực hiện.
Đơn cử như dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đích thân Bí thư Tỉnh ủy đã phát động “Chiến dịch 30 ngày đêm phải hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án” và dự án đã không phải mất đến 30 ngày, chỉ 15 - 20 ngày sau, dự án đã nhận được sự đồng thuận của gần 1.200 hộ dân sớm bàn giao mặt bằng sạch…
Chiến dịch đã có sức lan tỏa đến các địa phương trong toàn tỉnh. Đây chính là một cách làm hay, sáng tạo đưa lại hiệu quả cao. Hiện các địa phương đã và đang vận dụng chiến dịch để thực hiện các dự án, do đó các dự án tại tỉnh Quảng Ninh đang được triển khai hiệu quả.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư dự án là các sở ngành, địa phương luôn chủ động phối hợp với các nhà thầu thi công, tìm cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc kịp thời.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Quảng Ninh, tất cả nhà thầu và tư vấn giám sát đều làm việc nhiệt huyết, kiểm soát chất lượng theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật.

Điển hình dự án cầu Cửa Lục I, hiện tại công trình thi công đã được 1/3 giá trị sản lượng, về mặt tiến độ không có vướng mắc, khó khăn.

Nếu theo thuận lợi của thời tiết và tiến độ giải ngân tiền cấp của tỉnh đáp ứng thì không ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Hiện nay, nhiều dự án hạ tầng cơ sở trên địa bàn tỉnh đều được bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định, nên việc thi công dự án đã đảm bảo tiến độ và vượt tiến độ nhờ đó việc giải ngân cũng đạt tỷ lệ cao.
Giải ngân tốt, tiến độ thi công các nhà thầu vượt kế hoạch. Với nhu cầu vốn đầu tư đang tăng cao, Quảng Ninh đã quyết định sử dụng nguồn tiền tiết kiệm chi thường xuyên. Cuối năm 2020, Quảng Ninh đã bổ sung gần 1.700 tỷ đồng cho các dự án động lực của tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục