Chạy đua tìm vũ khí khắc chế virus "tử thần" SARS-CoV-2

08:55' - 16/04/2020
BNEWS Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng nhiều quốc gia và các viện nghiên cứu đang nỗ lực chạy đua tìm thuốc điều trị và vaccine phòng ngừa COVID-19.

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona SARS-CoV-2 gây ra đang hoành hành dữ dội trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng nhiều quốc gia và các viện nghiên cứu đang nỗ lực chạy đua tìm thuốc điều trị và vaccine phòng ngừa.

Đây có thể coi là cuộc chạy đua với thời gian bởi mỗi ngày trôi qua, virus "tử thần" này lại khiến hàng chục nghìn người bị lây nhiễm và hàng nghìn người phải bỏ mạng.

Từ cuối tháng 3, WHO đã chọn một số quốc gia, trong đó Na Uy, Tây Ban Nha và Malaysia, để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả của một số loại thuốc tiềm năng trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Bốn loại thuốc được thử nghiệm gồm Remdesivir (một loại thuốc ức chế enzyme cần thiết cho virus sao chép bộ gen của nó, từng thử nghiệm điều trị Ebola); Cloroquine hoặc Hydroxychloroquine là thuốc chống sốt rét; Ritonavir và Lopinavir là thuốc ức chế HIV; Ritonavir, Lopinavir và interferon beta là một peptide kháng virus.

Thử nghiệm này sẽ so sánh mức độ an toàn và hiệu quả của 4 loại thuốc riêng biệt hoặc phối hợp các loại thuốc với nhau chống lại COVID-19. Đây được đánh giá là có cuộc thử nghiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cắt giảm đáng kể thời gian cần thiết nhằm xác định tác dụng của những loại thuốc này đối với bệnh nhân mắc COVID-19.

Hàng trăm cuộc thử nghiệm lâm sàng khác trên toàn thế giới cũng đã được tiến hành nhằm chứng minh tác dụng của các loại thuốc trong điều trị COVID-19. Các nghiên cứu hiện chủ yếu xoay quanh 2 nhóm thuốc là Remdesivir và nhóm thuốc chống sốt rét gồm Chloroquine và Hydroxychloroquine. Trong phòng thí nghiệm, cả ba loại thuốc trên đều có thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Trong đó, Chloroquine được sử dụng như loại thuốc chính để chống virus gây COVID-19 được Trung Quốc khuyến nghị. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng vẫn luôn cần thiết. Nghiên cứu cho thấy việc kết hợp kháng sinh và thuốc sốt rét cho kết quả khả quan nhưng cần phải thử nghiệm nhiều hơn trước khi có thể đưa vào điều trị thực tế. Các nhà khoa học lưu ý đây chỉ là thử nghiệm rất nhỏ nhưng kết quả của nó rất đáng khích lệ.

Trong khi đó, Remdesivir đang được đánh giá rất cao về tính ổn định và hiệu quả. Đây là loại thuốc của công ty dược phẩm Gilead Science Inc (Mỹ). Báo cáo kết quả điều trị được công bố trên tạp chí y khoa New England gần đây cho biết, tình trạng sức khỏe của 2/3 số bệnh nhân mắc COVID-19 biểu hiện nặng đã được cải thiện sau khi sử dụng thuốc Remdesivir.

Một số thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn khác cũng đang được tiến hành để đánh giá tác dụng của thuốc Remdesivir trong điều trị COVID-19. Một trong số các thử nghiệm thuốc Remdesivir đang được tiến hành tại Trung Quốc và có thể báo cáo kết quả nghiên cứu trong tháng này.

Một cuộc thử nghiệm thuốc Remdesivir khác cũng đang được thực hiện dưới sự tài trợ của Viện Y tế quốc gia Mỹ. Riêng công ty Gilead Science tự mình tiến hành 2 thử nghiệm thuốc. Kết quả của những cuộc thử nghiệm thuốc Remdesivir được giới chuyên gia đánh giá là rất đáng trông đợi vì đây là những nghiên cứu được tiến hành trên quy mô lớn và rất nghiêm ngặt.

Tại Nhật Bản, công ty Fujifilm Holdings (Nhật Bản) gần đây cũng bắt đầu thử nghiệm y tế để xác định tính hiệu quả của thuốc trị cúm Avigan trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi phương pháp tương tự tại Trung Quốc đem lại những kết quả khả quan.

Đại diện Fujifilm Holdings cho biết đến cuối tháng 6 năm nay, 100 bệnh nhân ở độ tuổi từ 20 đến 74 tuổi với những triệu chứng nhẹ sẽ tham gia quá trình thử nghiệm kéo dài tối đa 14 ngày. Tuy nhiên, thử nghiệm này không được tiến hành trên phụ nữ mang thai do các tác dụng phụ của Avigan.

Fujifilm Holdings tuyên bố Avigan có tiềm năng kháng SARS-CoV-2 dựa trên những tác dụng của thuốc đối với virus gây bệnh cúm. Công ty Nhật Bản sẽ thu thập và phân tích các dữ liệu cần thiết, trước khi nộp đơn xin cấp phép lưu hành.

Cùng với việc việc thử nghiệm các loại thuốc, quá trình nghiên cứu, bào chế vaccine phòng bệnh COVID-19 cũng đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy. Theo WHO, hiện có 70 loại vaccine đang được phát triển trên toàn cầu, trong đó có 3 loại đã được thử nghiệm lâm sàng trên người.

Đáng chú ý, vaccine của Công ty công nghệ sinh học CanSino Biologics và Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh đang phát triển ở giai đoạn 2. Hai vaccine khác do hai hãng dược phẩm của Mỹ là Moderna và Inovio sản xuất, cũng đang được thử nghiệm trên người.

Chỉ trong thời gian ngắn, giới khoa học của nhiều nước đã tạo ra được các nền tảng quan trọng cho việc phát triển vaccine, như xây dựng hệ thống nuôi cấy virus corona chủng mới trong phòng thí nghiệm, giải mã toàn bộ bộ gen của virus và tìm hiểu cặn kẽ các cấu trúc phân tử của virus này.

Đây được xem là tốc độ điều chế vaccine nhanh chưa từng có tiền lệ nếu so sánh trong đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, các nhà khoa học Mỹ đã phải mất 20 tháng để đi từ việc công bố trình tự gen đến thử nghiệm lâm sàng.

Trong cuộc chạy đua lần này, không chỉ có hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, mà các nước châu Âu và nhiều nơi khác cũng đang tích cực tham gia. Tại Pháp, Viện Pasteur đã bắt đầu thử nghiệm một loại vaccine trên chuột từ ngày 11/3. Viện bào chế CureVac của Đức hy vọng từ nay đến tháng 7 sẽ được cấp phép thử nghiệm một loại vaccine phòng virus SARS-CoV-2 trên người. 

Tại Australia, các nhà khoa học của Đại học Queensland đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm vaccine trên động vật sử dụng công nghệ kẹp phân tử mà họ đã nghiên cứu trong những tháng qua. Còn tại Israel, dựa trên các tài liệu uy tín phân tích về chủng virus SARS-CoV-2, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu sinh học dự định trong vài ngày tới cũng công bố một loại vaccine ngừa chủng virus này.

Tính tổng cộng, cho đến thời điểm này, đã có gần 40 công ty và viện nghiên cứu trên khắp thế giới đã đăng ký phát triển vaccine và kháng thể ngừa COVID-19.

Tuy rất cấp bách song việc nghiên cứu, phát triển vaccine phòng virus SARS-CoV-2 không thể được tiến hành một cách vội vã mà phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy trình để bảo đảm tính hiệu quả và an toàn của những vaccine này. Theo các chuyên gia y tế, thông thường thử nghiệm lâm sàng vaccine phải trải qua ba giai đoạn bắt buộc.

Giai đoạn 1 thử nghiệm trên người trưởng thành khỏe mạnh, cỡ mẫu 30 - 50 đối tượng, bắt đầu từ liều thấp đến liều được đề xuất dựa trên liều được ngoại suy từ kết quả dò liều an toàn và hiệu quả trên động vật thực nghiệm, với mục tiêu chính là đánh giá tính an toàn của vaccine.

Giai đoạn 2 được thực hiện trên đối tượng người trưởng thành khỏe mạnh, với cỡ mẫu tối thiểu 200, nhằm mục đích đánh giá tính an toàn và sinh miễn dịch của vaccine, đồng thời lựa chọn liều, lịch dùng thích hợp.

Giai đoạn 3 tiến hành trên cỡ mẫu tối thiểu 500 đối tượng, có đối chứng, tại nhiều địa điểm, sử dụng phác đồ tiêm chủng được lựa chọn từ giai đoạn 2, nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả vaccine trên một nhóm cộng đồng lớn hơn, gần với đối tượng đích, bao gồm cả trẻ em và người cao tuổi.

Kết quả thử nghiệm các giai đoạn trước phải đảm bảo tính an toàn trong giới hạn cho phép mới được tiến hành sang giai đoạn tiếp theo. Cho dù cả thế giới đang trông mong một loại vaccine ngừa COVID-19 sẽ sớm được tung ra thị trường, nhưng nhiều nhà chuyên môn khẳng định cần có đủ thời gian để chứng minh tính an toàn và hiệu quả của vaccine.

Trước khi tiến hành thử nghiệm vaccine trên cơ thể người, các nhà nghiên cứu cần hiểu rõ virus corona chủng mới. Theo Tiến sĩ Maria Bottazzi, đồng Giám đốc Trung tâm Phát triển vaccine thuộc Bệnh viện Nhi đồng Texas (Mỹ), hiện giới khoa học mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên trong việc phân tích và nghiên cứu loại virus này. Bước tiếp theo là nghiên cứu độc học tiền lâm sàng để đánh giá xem vaccine có an toàn hay không.

Tiến sĩ Bottazzi cho biết đối tượng tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 phải là những người trưởng thành khỏe mạnh. Kể cả khi các cuộc thử nghiệm trên người được thực hiện một cách suôn sẻ, quá trình bào chế vaccine vẫn có thể vấp phải những "vật cản" rất lớn.

Tiến sĩ Bottazzi giải thích đó có thể là các quy định y tế, ví dụ như việc phải tìm đủ người tình nguyện cho các giai đoạn thử nghiệm tiếp theo. Một "vật cản" rất lớn khác là vấn đề kinh phí. Tiến sĩ Bottazzi cho biết: "Việc nghiên cứu và phát triển vaccine có thể tốn hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD".

Với khoản đầu tư tốn kém như vậy, không dễ dàng gì để một loại vaccine chống COVID-19 khi ra đời có thể nhanh chóng đến với bệnh nhân ở các nước nghèo. Cho dù lãnh đạo 5 hãng dược phẩm lớn nhất thế giới gần đây hứa hẹn sẽ chia sẻ tài nguyên để tăng cường năng lực sản xuất chung một khi xác định được vaccine hoặc thuốc kháng virus có hiệu quả, nhưng nhiều người lo ngại các công ty dược phẩm vẫn sẽ đặt lợi nhuận doanh nghiệp và quyền sở hữu trí tuệ lên trên việc chia sẻ thành quả.

Để phòng tránh sự độc quyền của các tập đoàn dược phẩm ở Mỹ và Trung Quốc, sau dịch Ebola giai đoạn 2014-2016, Na Uy, Anh và các quốc gia châu Âu cùng với Quỹ Bill & Melinda Gates đã đóng góp hàng trăm triệu USD vào một liên minh đa quốc gia để tài trợ cho việc nghiên cứu vaccine.

Theo tỷ phú Bill Gates, khi một đại dịch xảy ra, vaccine và thuốc điều trị không phải là bán cho người trả giá cao nhất. Hai loại này nên có sẵn và giá cả phải chăng cho những người đang ở trung tâm của sự bùng phát dịch và có nhu cầu lớn nhất. Việc phân phối như vậy không chỉ là lương tri, mà còn là chiến lược ngăn ngừa đại dịch trong tương lai.

Đó là còn chưa kể việc chạy đua để phát triển vaccine mà không có sự hợp tác toàn cầu có thể sẽ dẫn đến những vaccine không an toàn, thiếu thời gian kiểm nghiệm. Điều này đặc biệt nguy hiểm, vì khi đó vaccine sẽ trở thành loại thuốc làm lây lan nhanh hơn COVID-19 hoặc gây biến chứng, nhất là làm yếu hệ miễn dịch.

Liên minh vaccine Gavi ra đời để giải quyết vấn đề công bằng vaccine và đã giúp tiêm vaccine cho gần một nửa số trẻ em thế giới. Trong hai thập niên qua, liên minh đã hỗ trợ 496 chương trình vaccine ở 73 quốc gia nghèo nhất và giúp cung cấp 600 triệu liều vaccine mỗi năm.

Mặc dù trọng tâm chính của Gavi là trẻ em, nhưng chương trình cũng đã giúp cung cấp vaccine cho mọi người ở mọi lứa tuổi đối với các bệnh gây ra dịch như sốt vàng da và viêm màng não. Đây là kinh nghiệm tốt trong việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 trong tương lai.

Là một nước cũng đang chịu sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam ngay từ rất sớm đã chủ động phòng, chống dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra, trong đó có việc bắt tay vào nghiên cứu về loại virus nguy hiểm này.

Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới nuôi cấy phân lập thành công virus SARS-CoV-2. Thành công này sẽ giúp các nhà khoa học rút ngắn khoảng cách, tạo tiền đề trong việc nghiên cứu và phát triển vaccine trong tương lai, cũng như đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn.

Chính mẫu virus SARS-CoV-2 nuôi cấy thành công đã được sử dụng làm mẫu chuẩn trong sản xuất các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh virus này, góp phần giúp Việt Nam tiến hành xét nghiệm hàng chục nghìn trường hợp nghi nhiễm bệnh.

Hiện Việt Nam cũng đang tích cực triển khai một số nhóm giải pháp, biện pháp trong điều trị bệnh COVID-19, trong đó có việc chiết tách huyết tương từ mẫu máu của những người đã khỏi bệnh COVID-19 để nghiên cứu, sử dụng điều trị các ca bệnh mắc COVID-19 nặng.

Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam cũng đang nghiên cứu đánh giá tính an toàn và hiệu quả của việc dùng thuốc Chlroquine điều trị COVID-19, qua đó có quyết sách phù hợp trong phác đồ điều trị người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Việt Nam.

Những nghiên cứu như vậy, cùng những kinh nghiệm thực tế trong kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh lây lan ở Việt Nam, chính là đóng góp của Việt Nam trong công cuộc chung của thế giới tìm vũ khí hiệu quả khắc chế virus "tử thần" SARS-CoV-2./.

>>Trung Quốc cho phép thử nghiệm 2 loại vaccine phòng COVID-19 trên người

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục