"Chạy đua" xử lý các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch

10:17' - 23/12/2024
BNEWS Đến 31/12/2024 là đến hạn chót di dời, chấm dứt các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo Nghị quyết 14/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh.

Hiện nay, các địa phương đang phải “chạy đua” để triển khai các đầu công việc để kịp với kế hoạch đề ra. Ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, sau ngày 31/12/2024, các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện các trường hợp tái chăn nuôi hoặc duy trì hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Huyện Châu Đức là địa phương có số hộ chăn nuôi nhiều nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo Kế hoạch đã phê duyệt và kết quả rà soát, trên địa bàn huyện Châu Đức có 1.005 cơ sở chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi buộc phải thực hiện di dời hoặc chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2024, trong đó có 740 cở sở chăn nuôi từ đủ 1 đơn vị vật nuôi trở lên thuộc diện được hỗ trợ nếu thực hiện di dời hoặc chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2024, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 4,5 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức đến nay, UBND huyện Châu Đức đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho 237 cơ sở chăn nuôi đã hoàn thành việc thực hiện di dời hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong đợt 1/2024, với tổng số tiền tà hơn 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2023 UBND huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 2 cơ sở với tổng kinh phí là 37 triệu đồng.

Hiện nay, huyện đang tiếp tục thẩm định hồ sơ để xem xét phê duyệt hỗ trợ cho 172 cơ sở chăn nuôi với tồng số tiền là hơn 837 triệu đồng. Bên cạnh đó, đã có 211 cơ sở chăn nuôi dưới 1 đơn vị vật nuôi đã chấm dứt hoạt động nhưng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ, nâng tổng số cơ sở đã chấm dứt hoạt động trên địa bàn huyện Châu Đức đến nay là 664/1.005, đạt tỷ lệ 66,07%.

 

Các địa phương cũng đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, vận động, giải thích cặn kẽ quy định của pháp luật đến từng cơ sở chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều cơ sở chăn nuôi chưa chấp hành việc di dời, chấm dứt hoạt động. Trước khó khăn trên, UBND huyện Châu Đức đã yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, báo cáo cụ thể các trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp hỗ trợ; vận động các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng lao động ưu tiên sử dụng lao động là người thuộc diện phải chấm dứt hoạt động chăn nuôi... nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.

Tại huyện Đất Đỏ cho biết, theo lộ trình, năm 2023 huyện sẽ phải thực hiện di dời 50% cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép. Đến cuối năm 2024 hoàn thành công tác di dời, chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư. Tuy nhiên, đến tháng nay, trên địa bàn huyện mới có 241/913 cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện di dời hoặc chấm dứt hoạt động, đạt tỷ lệ thấp so với lộ trình đề ra.

Hiện, huyện Đất Đỏ đang trình UBND huyện phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho 340 hộ, cơ sở. Bên cạnh những hộ đã thực hiện di dời, chấm dứt hoạt động, hiện nay huyện Đất Đỏ còn tới 40% số hộ, cơ sở chưa di dời theo lộ trình. Nguyên nhân là còn nhiều hộ dân chưa đồng thuận di dời, còn trì hoãn chưa chấp hành việc di dời, chấm dứt hoạt động. Bên cạnh đó, là nhiều hộ dân không vốn xây dựng chuồng trại mới, không có đất hoặc có đất lại không nằm trong vùng quy hoạch xây dựng cơ sở chăn nuôi. Trước thời hạn đã gần đến, buộc các cơ sở chăn nuôi phải di dời, chấm dứt hoạt động huyện Đất Đỏ đang phải “chạy đua” với việc vận động người dân.

Ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ kiến nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, nâng mức hỗ trợ chi phí tháo dỡ, di dời hoặc chấm dứt hoạt động. Đồng thời, có chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi thuộc diện di dời được vay vốn và hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề.

Theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh, toàn tỉnh có 5.311 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi và 295 nhà yến nằm trong vùng không được phép chăn nuôi sẽ không được cơi nới, sử dụng loa phóng thanh. Tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 60% cơ sở đã di dời, chấm dứt hoạt động chăn nuôi.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi về tập quán chăn nuôi tại nội thành, nội thị, khu dân cư, từ đó chấm dứt hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ làm thủ tục hỗ trợ theo quy định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục