“Chạy nước rút” trong vòng 7 tái đàm phán NAFTA (Phần 1)

05:30' - 05/03/2018
BNEWS Các nhà đàm phán của Mỹ, Mexico và Canada đang chạy đua với thời gian tại vòng 7 tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) diễn ra ở thành phố Mexico City từ ngày 25/2-5/3.
"Chạy nước rút" trong vòng 7 tái đàm phán NAFTA. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài viết đăng trên trang CBC News, phóng viên chính trị kỳ cựu Katie Simpson cho biết các nhà đàm phán của ba nước hy vọng có thể sẽ giải quyết tiếp những vấn đề còn dang dở từ vòng đàm phán trước tại thành phố Montreal của Canada.

Tuy nhiên, để vòng đàm phán lần này thực sự đạt được đột phá và tiến bộ rõ rệt hơn 6 vòng đàm phán trước, các nhà thương thuyết sẽ phải làm việc cật lực và chạy đua với thời gian nhiều hơn.

Những nỗ lực không chỉ được thể hiện trong các cuộc đàm phán mà có thể còn ở hậu trường nhằm đảm bảo sẽ tạo được tiền đề vững chắc cho vòng cuối sẽ diễn ra tại Washington vào cuối tháng sau.

Vòng 7 tái đàm phán NAFTA đã bắt đầu với với hai chương gai góc về quy tắc xuất xứ và nông nghiệp liên quan tới các đề xuất của Mỹ về việc áp thuế tạm thời đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mexico và nâng tỷ lệ nội địa khu vực từ 62,5% hiện nay lên 85% đối với ngành ô tô, trong đó ít nhất 50% tỷ lệ nội địa Mỹ. 

Vòng đàm phán lần này, từ 25/2 tới 5/3, thiết lập 28 bàn làm việc để thảo luận 26 chương và 2 phụ lục lĩnh vực. Mỗi một vấn đề sẽ được thảo luận tối đa trong ba ngày.

Tại vòng đàm phán này, các bên đặt mục tiêu hoàn tất ít nhất 7 chương mới, trong đó có viễn thông, năng lượng và rào cản kỹ thuật đối với thương mại, nâng tổng số chương đạt được thỏa thuận lên 10/33 chương của hiệp định. 

Tại các vòng đàm phán trước đó, Mexico, Mỹ và Canada mới hoàn tất các chương về doanh nghiệp vừa và nhỏ, cạnh tranh và chống tham nhũng, cũng như 2 phụ lục ngành về hiệu quả năng lượng và công nghệ thông tin.

NAFTA, có hiệu lực từ năm 1994, hiện chiếm 40% GDP toàn cầu. Trao đổi thương mại nội khối đạt trên 1.200 tỷ USD trong năm 2017, trong đó Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả Mexico và Canada.

Một trong những động lực chính buộc các bên phải “chạy nước rút” tại vòng đàm phán này là do Mexico sẽ chính thức khởi động các cuộc vận động bầu cử liên bang vào cuối tháng Ba tới.

Vì thế, nếu các bên không giải quyết được cơ bản những bất đồng ngay tại vòng này, nguy cơ kéo dài vô thời hạn tiến trình tái đàm phán sẽ trở thành hiện thực bởi ngay sau khi Mexico tiến hành tổng tuyển cử vào giữa năm, nước Mỹ cũng sẽ bước vào thời kỳ bận rộn chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ dự kiến diễn ra tháng 11/2018.

Nói theo lời của cựu quan chức ngoại giao Mỹ Scotty Greenwood, đã đến lúc các nhà lãnh đạo chính trị phải đưa ra quyết định có nên đi đến thỏa thuận hay không. Ông Greenwood bình luận: “Nếu có thể đạt được nhiều tiến bộ tại vòng đàm phán này, đó sẽ là điều tốt.

Ngược lại, các bên sẽ phải chấp nhận cách tiếp cận từ từ, tiến hành đàm phán trường kỳ và phải né không chỉ cuộc bầu cử tới đây ở Mexico mà còn cả cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ tại Mỹ sau đó cũng như cuộc tổng tuyển cử ở Canada vào năm tới”.

Tất nhiên, khó có thể đưa ra một hạn định “cứng” cho việc đạt được thỏa thuận cuối cùng về hiện đại hoá NAFTA vào thời điểm này, nhưng sức ép vẫn là điều không thể tránh khỏi.

Trước đó vào đầu tháng Hai này, Đại sứ Canada tại Mỹ David MacNaughton đã gợi ý về khả năng các bên sẽ đạt được một “thoả thuận nguyên tắc” trước khi Mexico bước vào cuộc bầu cử tổng thống.

Đại sứ MacNaughton chia sẻ tại một hội nghị bàn tròn ở Ottawa hôm 5/2: “Tôi đang kêu gọi các Chính phủ Canada, Mỹ và Mexico nỗ lực hết sức có thể để đi đến một giải pháp trong hai tháng tới… Thời kỳ hùng biện đã qua và chúng ta cần thực sự ‘xắn tay áo’ để dẹp bỏ những bấp bênh nhằm xây dựng mối quan hệ cạnh tranh nhất trên thế giới”.

Một nguồn tin thân cận với các cuộc tái đàm phán NAFTA cho biết giới chức 3 bên rất chú trọng vòng đàm phán này với hy vọng sẽ đạt được tiến triển lạc quan.

Tại vòng đàm phán trước ở Montreal từ 22-29/1, nước chủ trì Canada đã nêu ra “một số giải pháp sáng tạo” đối với một số vấn đề gai góc nhất liên quan đến lĩnh vực sản xuất ô tô, điều khoản hoàng hôn và cơ chế giải quyết tranh chấp.

Những đề xuất linh hoạt của Canada dường như đã làm hài lòng phần nào một số nhà chỉ trích của Mỹ, song các bên vẫn chưa thể khép lại những vấn đề này do còn phải tiến hành tham vấn rộng rãi với giới chức các ngành nghề trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục