Chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần trong năm

17:57' - 27/05/2016
BNEWS Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ hướng đến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế với mục tiêu năm 2020.
Phải làm môi trường trong sạch, lành mạnh để doanh nghiệp sống khỏe. Ảnh minh họa:TTXVN

Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, chỉ được thực hiện thanh tra, kiểm tra 1 lần trong 1 năm - đây là tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, được Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp thông tin tại buổi họp báo chuyên đề do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 27/5.

Nghị quyết hướng đến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế với mục tiêu năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động tức là phải phát triển thêm khoảng 500 nghìn doanh nghiệp so với thời điểm hiện nay và khu vực tư nhân Việt Nam chiếm tỷ trọng 48 – 49% GDP.

Nghị quyết đưa ra các nguyên tắc mang tính định hướng, trong đó Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.

Một trong những điểm mới của Nghị quyết, đó là việc thanh tra, kiểm tra chỉ được thực hiện một lần trong một năm. Ông Lê Mạnh Hà cho rằng thực trạng vừa qua, doanh nghiệp bị kiểm tra quá nhiều, thậm chí có loại doanh nghiệp bị kiểm tra hàng tuần.

Nếu VCCI cam kết với các tỉnh, thành và các tỉnh, thành thực hiện đúng quy định này thì doanh nghiệp sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, quy định như vậy không có nghĩa là thả lỏng cho doanh nghiệp vi phạm, không giám sát được việc sửa chữa vi phạm, để doanh nghiệp “nhờn” luật, mà vẫn phải tiếp tục kiểm tra và dùng nhiều biện pháp khác để ngăn chặn triệt để.

Việc kiểm tra sẽ được khoanh vùng theo nhóm đối tượng có nguy cơ vi phạm cao và cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phân loại nhóm có nguy cơ cao để thanh, kiểm tra.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, quy định đặt ra để hạn chế hành vi lạm dụng quyền lực làm phiền, làm khó doanh nghiệp, không đồng nghĩa với việc dung túng, bao che, thả lỏng các hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng theo ông Đặng Huy Đông, tự do kinh doanh là quyền nhưng kinh doanh phải trong quy định của pháp luật và muốn kiểm soát kinh doanh, đảm bảo bình đẳng cho doanh nghiệp, công bằng cho người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp, phải có cơ quan quản lý để đảm bảo trật tự xã hội.

Việc kiểm tra, thanh tra sẽ được thực hiện theo thông lệ quốc tế, với những nhóm đối tượng thông thường, khi kiểm tra sẽ là đoàn liên ngành gồm thuế, hải quan, môi trường, thị trường… Sẽ phải hạn chế việc "ra vào" doanh nghiệp quá nhiều lần, "vào" rồi lại "ra" nghĩa là lần đầu "vào" không nghiêm túc, không đi đến tận cùng vấn đề. Nếu thấy doanh nghiệp không thực hiện đúng yêu cầu, cơ quan quản lý có quyền đình chỉ.

Đặt ra quy định về thanh tra, kiểm tra trong Nghị quyết để cơ quan quản lý nhà nước thêm trách nhiệm minh bạch, tường minh hơn đối với doanh nghiệp.

Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Thu Hằng cho rằng quy định như vậy sẽ tránh tình trạng cơ quan nhà nước vào doanh nghiệp khai thác, kiểm tra cùng một nội dung, trùng lặp, nêu cao vai trò của UBND trong thống nhất kế hoạch thanh tra và kiểm tra, thời gian, nội dung kiểm tra.

Các chi phí chính thức mà doanh nghiệp đang phải gánh đang chiếm đến 40% lợi nhuận. Ảnh minh họa:TTXVN

Một vấn đề được Tổng Thư ký VCCI Phạm Thu Hằng cung cấp tại họp báo, đó là các chi phí chính thức mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu như thuế, các khoản đóng góp cho người lao động… đang chiếm đến 40% lợi nhuận.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải gánh chịu các khoản chi phí không chính thức mà con số này cũng không hề nhỏ. Chính vì vậy, Nghị quyết đề cập đến việc giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có việc đánh giá được chi phí của doanh nghiệp cho báo chí.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhận định các khoản phí chính thức chiếm 40% trên lợi nhuận là cao, cần xem lại các chi phí này, nhìn nhận một cách khách quan, tổng hòa được lợi ích của doanh nghiệp, của người lao động và Nhà nước phải đóng vai trò điều hòa.

Đề cập đến việc đưa Nghị quyết 35 vào cuộc sống, ông Đặng Huy Đông cho biết phải có thời gian. Thủ tướng đã khẳng định, Chính phủ nhiệm kỳ này là Chính phủ hành động, tinh thần là phải chuyển động từ trên xuống dưới. Một số địa phương đã làm rất tích cực, trong đó có Hà Nội.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đang quyết tâm đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử – ông Đông nói. Còn theo ông Lê Mạnh Hà, một trong những chìa khóa để Nghị quyết đi vào cuộc sống, đó là công khai kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương và việc giải quyết của từng bộ, ngành để giám sát, cùng với đó là giám sát và phản hồi từ phía các cơ quan báo chí.

Cộng đồng doanh nghiệp đã bắt đầu theo nhịp thở của nền kinh tế thị trường. Phải làm môi trường trong sạch, lành mạnh để doanh nghiệp sống khỏe, mở cửa cho mọi người sản xuất kinh doanh, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thị trường. Ông Lê Mạnh Hà cũng cho biết, vào tháng 6/2016, Thủ tướng sẽ gặp gỡ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục