Giải tỏa bớt "gánh nặng" cho doanh nghiệp

11:05' - 25/05/2016
BNEWS Nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng, phía trên ra luật thông thoáng bao nhiêu thì phía dưới thi hành luật nhiêu khê bấy nhiêu. Doanh nghiệp phải xoay như chong chóng vì có quá nhiều giấy phép con.

Trong số gần 340 kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước” được tổ chức gần đây, đa số đều phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp liên quan tới việc xin cấp phép của các cơ quan, sở ngành chức năng.

Theo phân tích của các chuyên gia, tư vấn pháp lý, giấy phép con không chỉ được coi là nỗi bức xúc lớn gây nhiều phiền hà, rắc rối, tốn thời gian của doanh nghiệp, mà còn là căn nguyên dẫn tới việc phát sinh các chi phí không chính thức, thậm chí tiềm ẩn cả nguy cơ rủi ro, lừa đảo, mà doanh nghiệp chính là nạn nhân và bị hại trong nhiều trường hợp.

Năm 2015 các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu trên 1 triệu tấn bông về sản xuất, trong số đó khoảng 35% bị lấy mẫu kiểm tra. Ảnh: Hoàng Nguyên-TTXVN

Phản ánh từ thực tế, bà Phạm Kiều Oanh, Tổng giám đốc, Tổng công ty May Nhà Bè – CTCP cho biết, Thông tư 37/2015/TT- BCT của Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng Formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may nhập khẩu hiện nay “đang làm cho doanh nghiệp không những tốn thêm thời gian cho một lô hàng nhập khẩu khi về tới cảng được thông quan (chờ kết quả giám định), mà còn tốn thêm chi phí giám định không hề nhỏ cho một lô hàng nhập về sản xuất với mức 2 triệu đồng/1 mẫu vải khoảng 5 đến 10 mét (không có giá trị, hoặc giá trị rất thấp).

Điều bức xúc của doanh nghiệp là trong nhiều năm qua đã có tới 10 văn bản kiến nghị gửi tới các cơ quan/ban ngành xin sửa đổi các điều khoản, quy định không phù hợp với thực tiễn. Song Thông tư 37/2015/TT-BCT được ban hành thay thế Thông tư 32/2009/TT-BCT lại gây khó khăn, phiền nhiễu hơn nữa cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bày tỏ quan điểm, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự đồng hành cùng doanh nghiệp và có giải pháp để doanh nghiệp vừa tuân thủ pháp luật, cũng vừa dễ dàng, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Đây không chỉ là chuyện riêng của May Nhà Bè, mà còn là vấn đề chung của mọi thành viên thuộc Hiệp hội Dệt May Việt Nam. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch hiệp hội cho biết, việc cấp giấy phép chuyên ngành, cấp chứng nhận của các cơ quan kiểm định và chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành để xuất trình cho hải quan và ra quyết định thông quan là khoảng thời gian rất dài.

Điều này làm mất thời gian và chi phí tốn kém cho doanh nghiệp. Vì hàng càng lâu được thông quan thì doanh nghiệp sẽ càng mất phí lưu kho. Thời gian hoàn thiện thủ tục lấy được hàng mất khoảng 10 đến 15 ngày. Việc chậm trễ khiến cho doanh nghiệp không có hàng để đưa vào sản xuất.

Ông Cẩm nêu rõ, chi phí kiểm dịch tại Viện Sinh thái là 3 triệu đồng/lần giám định. Chi phí giám định hàm lượng Formaldehyt cho lô hàng vải nhập khẩu về sản xuất là 2 triệu đồng/mẫu vải.

Vậy tại sao không giảm các công đoạn kiểm dịch không cần thiết, các lô vải làm mẫu có giá trị thấp và số lượng ít không thể miễn kiểm tra chuyên ngành…như vậy sẽ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đã cải cách là phải “cải cách toàn diện các quy định về môi trường kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm”.

Đại diện Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch cho biết, năm 2015 các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu trên 1 triệu tấn bông về sản xuất, trong số đó khoảng 35% bị lấy mẫu kiểm tra.

Các doanh nghiệp đã phải chi hàng chục tỷ đồng cho việc kiểm tra, và hàng nghìn người đã phải ra cảng xin làm thủ tục kiểm dịch, chờ lấy mẫu. Công đoạn này mất khoảng một tuần.

“Đây là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Vì sao chúng ta không áp dụng chế độ công nhận lẫn nhau. Mỹ đã công nhận rồi thì ta không kiểm tra nữa, ông Sơn nói.

Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng, phía trên ra luật thông thoáng bao nhiêu thì phía dưới thi hành luật nhiêu khê bấy nhiêu, chỉ vì có quá nhiều giấy phép con khiến doanh nghiệp phải xoay như chong chóng.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh cho biết, nhiều năm qua doanh nghiệp nhập về một số hóa chất làm keo dán sản phẩm. Đây là hóa chất cơ bản và có trong danh mục cho phép.

Tuy nhiên, lô hàng nào nhập cũng phải lên Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) để xin giấy phép. Hầu như hàng tuần, thậm chí vài ngày, Nhựa Bình Minh đều phải đi xin giấy phép một lần. Việc này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, công sức.

“Liệu có cách nào cho chúng tôi xin giấy phép nhập trong thời gian 6 tháng hay 1 năm không, chứ cứ xin giấy phép hàng tuần thế này, có khi hàng nhập liên tục, hai ngày lại đi xin giấy phép con kiểu này một lần thì thấy quá vô lý”, ông Ngân bức xúc.

Trước những tồn tại này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc từng đề xuất, cần phải tiến hành ngay việc tổng rà xét các quy định pháp luật về kinh doanh, các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh đang còn hiệu lực; kiên quyết loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp đang cản trở, làm tăng rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp.

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016 về Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mới đây, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà tiếp tục khẳng định tư tưởng mới và thông điệp muốn truyền tải từ Chính phủ.

Ông cho rằng, các doanh nghiệp nên gửi văn bản kiến nghị trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ nếu bị các văn bản cấp bộ gây phiền hà trong làm ăn kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục