Chi phí bồi hoàn bảo hiểm liên quan đến COVID-19 tăng vượt dự báo

07:32' - 14/01/2022
BNEWS Việc gia tăng chi phí bồi hoàn chủ yếu là do sự xuất hiện của biến thể Delta với khả năng lây nhiễm cao gấp đôi, khiến nhiều người phải nhập viện hơn so với chủng gốc của virus SARS-CoV-2.

Đại dịch COVID-19 có thể kéo dài 5 năm, thêm một đại dịch khác bùng phát trong một thập kỷ tới và nguy cơ xuất hiện thêm nhiều biến thể có khả năng lây lan nhanh - đó là những viễn cảnh mà các công ty bảo hiểm nhân thọ đang tính đến, sau khi số tiền cần bồi hoàn liên quan đến COVID-19 tăng mạnh hơn dự báo trong năm 2021.

Theo báo cáo của công ty môi giới bảo hiểm Howden (Indonesia) công bố ngày 4/1, chỉ riêng trong 9 tháng năm 2021, ngành bảo hiểm nhân thọ toàn cầu đã ghi nhận số tiền yêu cầu bồi hoàn do COVID-19 lên tới 5,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 3,5 tỷ USD trong cả năm 2020, dù ngành này kỳ vọng sẽ phải chi trả thấp hơn khi các nước triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19.

 

Việc gia tăng chi phí bồi hoàn chủ yếu là do sự xuất hiện của biến thể Delta với khả năng lây nhiễm cao gấp đôi, khiến nhiều người phải nhập viện hơn so với chủng gốc của virus SARS-CoV-2.

Tỷ lệ yêu cầu bồi hoàn tăng mạnh nhất tại Mỹ, Ấn Độ và Nam Phi do có thêm nhiều biến thể nguy hiểm và xu hướng gia tăng số người tử vong hoặc mắc bệnh trong nhóm những người trẻ tuổi và chưa tiêm phòng COVID-19.

Công ty bảo hiểm Aegon (Hà Lan) có chi nhánh hoạt động tại Mỹ cho biết số tiền yêu cầu bồi hoàn tại Mỹ trong quý III/2021 là 111 triệu USD, tăng mạnh so với mức 31 triệu USD trong cùng kỳ năm 2020. Các công ty bảo hiểm MetLife và Prudential Financial (Mỹ) cũng ghi nhận tình trạng tương tự.

Các sản phẩm nhân thọ thường kéo dài trong 20 năm hoặc hơn, đồng nghĩa rằng các hợp đồng bảo hiểm hiện nay chưa tính đến việc nguy cơ tử vong hoặc bệnh tật lâu dài do COVID-19 sẽ cao hơn so với ước tính ban đầu.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong ngành này cũng khiến các công ty bảo hiểm khó lòng tăng phí. Các chuyên gia bảo hiểm nhận định việc gia tăng số tiền yêu cầu bồi hoàn sẽ ảnh hưởng đến số vốn mà các công tỷ bảo hiểm trích riêng để đảm bảo thanh khoản.

Theo Hiệp hội thương mại bảo hiểm nhân thọ LIMRA, trong giai đoạn đầu tiên của đại dịch COVID-19 trong năm 2020, tỷ lệ tử vong ở những người mua bảo hiểm tại Mỹ đã tăng 12% so với trung bình.

Chuyên gia bảo hiểm hàng đầu của LIMRA Marianne Purushotham nhận định trong ngành bảo hiểm thì đây không phải là con số lớn do các công ty đều có quỹ dự phòng.

Trên thực tế, tác động của đại dịch đối với công ty bảo hiểm trong năm 2020 là khiêm tốn hơn do các trường hợp tử vong thường tập trung ở nhóm người lớn tuổi, những người thường không mua bảo hiểm nhân thọ.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục khiến thế giới kinh ngạc với biến thể Omicron đang trên đà trở thành biến thể chủ đạo, các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm và các doanh nghiệp chuyên thiết lập mô hình rủi ro đang xem xét đến tương lai.

Công ty chuyên thiết lập mô hình rủi ro RMS (Mỹ) cho biết mô hình dự báo cập nhật về COVID-19 cũng tính đến các biến thể có khả năng "né" vaccine.

Về phần mình, công ty tái bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ) cho biết mô hình của công ty đã đưa vào xem xét hơn 20.000 kịch bản khác nhau. Mô hình rủi ro của công ty cũng thường xuyên cập nhật với dữ liệu mới nhất về thử nghiệm, tỷ lệ tiêm phòng, lây nhiễm, nhập viện và tử vong.

Với sự xuất hiện của biến thể Omicron, nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 Pfizer dự báo phải đến năm 2024 đại dịch mới suy yếu thành căn bệnh đặc hữu.

Trong khi đó, mô hình của công ty AIR dự báo đại dịch COVID-19 có thể kéo dài 5 năm. Số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng lên kể cả khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu, tương tự như bệnh cúm mỗi năm vẫn khiến nhiều người tử vong dù đã có vaccine.

Chuyên gia nhận định dịch bệnh sẽ còn tác động đến số tiền yêu cầu bồi hoàn trong trung hạn (5-10 năm). Xu hướng có thêm ca tử vong và mắc bệnh dài hạn sẽ đòi hỏi các công ty bảo hiểm trích thêm quỹ dự phòng để trả tiền bồi hoàn, dẫn tới việc phải tăng thêm phí.

Theo các các chuyên gia rủi ro trong lĩnh vực bảo hiểm, nguy cơ lây nhiễm virus giữa người và động vật, mật độ đi lại trên toàn cầu, tình trạng gia tăng đô thị hóa và các tác động biến đổi khí hậu như phá rừng và muỗi mang virus gây bệnh, đồng nghĩa rằng các đại dịch sẽ xuất hiện nhiều hơn trong tương lai.

Chuyên gia Brice Jabo của RMS cho rằng một dịch bệnh mới do virus corona nhiều khả năng sẽ bùng phát trong 10 năm tới. Sự xuất hiện của Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) hay Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) trong 2 thập kỷ qua chính là cảnh báo sớm.

Tuy nhiên, liệu lần bùng phát tiếp theo có trở thành đại dịch hay không còn phụ thuộc vào khả năng lây nhiễm và hiệu quả các biện pháp ngăn chặn./.

>>Thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại 280 tỷ USD trên toàn cầu trong năm 2021

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục