Indonesia: Bảo hiểm nhân thọ đảo ngược mức sụt giảm doanh thu

09:12' - 13/12/2021
BNEWS Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Indonesia (AAJI) quy tụ 58 công ty thành viên cho biết doanh thu của ngành trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021 đã tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ Indonesia tiếp tục phục hồi khi các công ty trong ngành đồng loạt công bố mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021, bất chấp đợt bùng phát dịch COVID-19 do biến thể Delta làm chậm quá trình phục hồi kinh tế tại quốc gia này.

Ngày 8/12, Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Indonesia (AAJI) quy tụ 58 công ty thành viên cho biết doanh thu của ngành trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021 đã tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước lên mức 171.360 tỷ rupiah (11,9 tỷ USD), đảo ngược từ mức giảm 25,6% vào cùng kỳ năm trước.

Phát biểu họp báo, Chủ tịch AAJI Budi Tampubolon cho biết: “Tất nhiên, đây không phải là thời điểm dễ dàng. Có rất nhiều thách thức và hạn chế mà các ngành, trong đó có bảo hiểm nhân thọ, phải đối mặt. Tuy nhiên, ngành bảo hiểm nhân thọ đã vượt qua thời kỳ khó khăn do đại dịch gây ra trong quý III/2021”.

Sự gia tăng đột biến về số ca lây nhiễm khi biến thể Delta lan rộng khắp cả nước vào đầu năm nay và các hạn chế hoạt động do chính phủ áp đặt nhằm đối phó với đại dịch đã kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý III vừa qua.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), ngành dịch vụ tài chính và bảo hiểm đạt tăng trưởng 4,29% trong quý III/2021 so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp này đã đạt tốc độ tăng trưởng cao gần gấp đôi trong quý trước, một phần do hiệu ứng cơ sở.

Trước đó, AAJI đã công bố rằng ngành bảo hiểm nhân thọ đã đảo ngược mức sụt giảm doanh thu do đại dịch gây ra vào nửa đầu năm nay với mức doanh thu 119.740 tỷ Rupiah, tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong thời gian từ tháng 1-9/2021, thu nhập từ phí bảo hiểm cũng tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức đạt 149.360 tỷ rupiah.

Các gói bảo hiểm tích hợp, trong đó kết hợp bảo hiểm và đầu tư đã đóng góp 62,5% tổng nguồn thu của ngành, trong khi các sản phẩm truyền thống đóng góp phần còn lại.

Ông Budi cho hay: “Đại dịch COVID-19 đã khiến mọi người nhận thức rõ hơn về nhu cầu và lợi ích của bảo hiểm nhân thọ trong tương lai, có thể là dưới hình thức tích hợp hoặc các sản phẩm truyền thống. Điều này đã được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng cho đến quý III vừa qua.”

Cũng theo AAJI, trong ba quý đầu năm nay, các khoản chi trả quyền lợi và yêu cầu bồi thường đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức 107.450 tỷ rupiah. Trong giai đoạn từ tháng 3/2020 đến tháng 9/2021, các yêu cầu bồi thường bảo hiểm liên quan đến COVID-19 lên tới 7.360 tỷ rupiah./.

>>>Hai hãng bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Canada gặp thách thức tại châu Á

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục