Chỉ số giá sản xuất tăng mạnh nhất trong 5 tháng

09:20' - 20/02/2024
BNEWS Giá sản xuất của Mỹ tăng nhanh hơn dự đoán trong tháng Một do sự gia tăng mạnh trong giá nhiều dịch vụ.

Số liệu này làm dấy lên những lo ngại trên thị trường tài chính rằng lạm phát đang tăng trở lại sau nhiều tháng hạ nhiệt.

Cơ quan thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0,3% trong tháng Một, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2023, sau khi giảm 0,1% trong tháng 12 năm ngoái. Trước đó, các chuyên gia trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters dự đoán chỉ số PPI tăng 0,1% trong tháng trước. Tính trong 12 tháng đến hết tháng Một, chỉ số PPI tăng 0,9% sau khi tăng 1% trong tháng 12/2023.

Sau khi loại bỏ giá dịch vụ thương mại, thực phẩm và năng lượng, chỉ số PPI tăng 0,6% trong tháng Một, mức tăng lớn nhất trong một năm qua. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số PPI cốt lõi này tăng 2,6% trong tháng trước.

 

Số liệu được công bố trước đó cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ cũng tăng nhiều hơn dự đoán trong tháng Một, khiến các thị trường tài chính giảm dự đoán rằng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng Sáu.

Bộ Lao động Mỹ ngày 13/2 cho biết, chỉ số CPI trong tháng 1/2024 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023, tuy thấp hơn mức tăng 3,4% trong tháng 12/2023, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức tăng 2,9% theo dự báo trung bình của MarketWatch.

CPI lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, trong cùng thời gian này đã tăng 3,9%, tương đương mức tăng của tháng 12/2023, bất chấp kỳ vọng chỉ số này giảm hơn nữa. Điều này cho thấy con đường giảm lạm phát vẫn còn nhiều chông gai.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhanh chóng tăng lãi suất cơ bản năm 2022 để kiềm chế lạm phát gia tăng. Fed hiện giữ lãi suất ở mức cao nhất trong hơn 20 năm, nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Chỉ số CPI đã giảm từ mức đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022 và đang tiến tới mức 2% là tin tốt cho các nhà hoạch định chính sách, cũng như khả năng phục hồi rõ ràng của nền kinh tế khi lạm phát hạ nhiệt.

Nền kinh tế Mỹ vẫn tiến lên phía trước trong quý IV/2023, đánh dấu quý thứ sáu tăng trưởng liên tiếp. Diễn biến này trái ngược với nhiều dự đoán được đưa ra hồi năm ngoái rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ khó tránh khỏi suy thoái vì tác động của lãi suất cao.

Nền kinh tế Mỹ có thể duy trì được thể trạng tốt như thế một phần lớn là nhờ chi tiêu hộ gia đình, yếu tố chiếm phần lớn nền kinh tế nước này, vẫn mạnh mẽ bất chấp nhiều thách thức. Chính sách kích thích của chính phủ đã giúp các hộ gia đình vượt qua giai đoạn đầu của đại dịch và sự leo thang của lạm phát. Và giờ đây, sự gia tăng tiền lương đang giúp họ ứng phó với tình trạng giá hàng hoá và dịch vụ cao.

Báo cáo được công bố ngày 15/2 cho thấy có ít người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu hơn trong tuần trước. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy thị trường việc làm của Mỹ vẫn rất khoẻ mạnh, bất chấp làn sóng sa thải gây chú ý trong thời gian gần đây. Sự vững mạnh của thị trường lao động đang góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều nguy cơ, và giới chuyên gia cho rằng vẫn chưa thể loại bỏ nguy cơ suy thoái. Lạm phát có thể tăng trở lại. Những lo ngại về khối nợ lớn của Chính phủ Mỹ có thể chi phối các thị trường tài chính, từ đó dẫn đến các khoản vay để mua ô tô và các tài sản khác trở nên đắt đỏ hơn. Ngoài ra, tình trạng thua lỗ gia tăng liên quan đến lĩnh vực bất động sản thương mại có thể là một vấn đề lớn đối với hệ thống tài chính.

Giới phân tích cho rằng nhiều đặc điểm của riêng nền kinh tế Mỹ đã giúp nước này tránh được các cơn bão suy thoái. Chính phủ Mỹ đã cung cấp khoảng 5.000 tỷ USD hỗ trợ trong thời kỳ đại dịch 2020-2021, cao hơn nhiều so với các nước khác. Chính sách này đã giúp các hộ gia đình duy trì thể trạng tài chính tốt hơn nhiều và hỗ trợ hoạt động chi tiêu tiêu dùng khi bước sang năm 2023.

Chuyên gia kinh tế Rubeela Farooqi tại công ty nghiên cứu kinh tế High Frequency Economics cho biết, dữ liệu mới nhất cho thấy sự tăng tốc trở lại, đặc biệt là trong các số liệu hàng năm trong ba và sáu tháng. Điều này ủng hộ quan điểm của Fed rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ không xảy ra ngay lập tức. Nói cách khác, lạm phát đang trên đà giảm, nhưng có lẽ chưa đủ nhanh để khuyến khích các quan chức Fed sớm bắt đầu nới lỏng lãi suất. Các quan chức có thể sẽ kiên nhẫn khi tiếp cận các quyết định chính sách trong tương lai.

Mặc dù hiện tại có khả năng "bi quan về lạm phát", song nhà kinh tế trưởng của công ty kiểm toán EY Gregory Daco cho biết, một số yếu tố "vẫn sẽ tạo thành sự kết hợp hoàn hảo cho việc tỷ lệ lạm phát giảm dần cho đến năm 2024. Những yếu tố này bao gồm sự sụt giảm về mức tăng nhu cầu tiêu dùng, giảm lạm phát tiền thuê nhà và tăng trưởng tiền lương ở mức vừa phải.

Chủ tịch Fed Jerome Powell trước đó đã lưu rằng Fed mong muốn lạm phát tiếp tục giảm trước khi tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ”.

Số liệu được công bố cũng cho thấy giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh trong tháng trước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo không nên vội kết luận rằng lạm phát đang tăng trở lại, vì các doanh nghiệp thường tăng giá vào đầu năm. Mức tăng giá năm nay có thể cao hơn vì các doanh nghiệp đang cố gắng bù đắp chi phí lao động gia tăng trong năm qua.

Dựa trên số liệu CPI và PPI, các chuyên gia kinh tế ước tính chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi không tính giá thực phẩm và năng lượng, thước đo lạm phát yêu thích của Fed, tăng 0,4% trong tháng Một so với tháng trước đó và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các thị trường tài chính vẫn dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất trong năm nay, dù khả năng xảy ra một đợt giảm lãi suất trong tháng Sáu đang giảm xuống.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục