Làn sóng cắt giảm chi phí của các tập đoàn Mỹ

17:09' - 19/02/2024
BNEWS Các tập đoàn của Mỹ, trong các lĩnh vực từ sản xuất đồ chơi, mỹ phẩm đến công nghệ, hàng không và truyền thông, đều đang triển khai kế hoạch cắt giảm chi phí hoạt động.
 

Không chỉ dừng lại ở cắt giảm nhân sự, nhiều công ty đã thực hiện nhiều kế hoạch khác nhằm thúc đẩy lợi nhuận. Chẳng hạn như thương hiệu bán lẻ hàng đầu của Mỹ là Macy cho biết sẽ đóng cửa 5 trong số các cửa hàng của thương hiệu này, đồng thời cắt giảm hơn 2.300 vị trí nhân sự.

Ngay cả trong lĩnh vực hàng không, JetBlue Airways và Spirit Airlines - hai hãng hàng không giá rẻ của Mỹ - đã đề nghị chấm dứt hợp đồng với người lao động kèm theo mức bồi thường và các điều khoản. Trong khi đó, hãng hàng không United Airlines đã cắt giảm suất ăn hạng nhất đối với một số chuyến bay chặng ngắn nhất của hãng.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, 5 trong số những ngân hàng lớn nhất của Mỹ, gồm Wells Fargo và Goldman Sachs, đã cắt giảm tổng cộng hơn 20.000 vị trí việc làm trong năm 2023. Đối với lĩnh vực công nghệ, các công ty đã cuốn theo làn sóng cắt giảm nhân sự, sau khi tập đoàn Meta cắt giảm nhân sự vào năm 2023 - một bước đi mà giới phân tích cho rằng sẽ giúp "gã khổng lồ" truyền thông xã hội này khởi sắc sau năm 2022 đầy khó khăn.

Chưa dừng lại ở đó, làn sóng này còn lan sang cả lĩnh vực dịch vụ vận chuyển và giải trí và truyền thông. UPS - công ty quản lý chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa đa quốc gia của Mỹ thông báo sẽ cắt giảm 12.000 việc làm, giúp công ty này tiết kiệm chi phí khoảng 1 tỷ USD. Các tập đoàn giải trí và truyền thông đại chúng đa quốc gia như Warner Bros. Discovery và Walt Disney cũng đã cắt giảm hàng nghìn vị trí việc làm, nhằm kiểm soát chi phí và hướng đến công tác hoạch định nguồn nhân lực một cách hiệu quả hơn.

Số liệu của các công ty truyền thông của Mỹ cho thấy, riêng trong tháng 1/2024, các công ty của Mỹ đã thông báo cắt giảm 82.307 việc làm, gấp hơn 2 lần so với số liệu của tháng 12/2023, dù vẫn giảm 20% so với tháng 1/2023.

Các báo cáo hoạt động kinh doanh trong thời gian này cho thấy các công ty đã tập trung đẩy mạnh lợi nhuận, mà không nhờ vào việc tăng giá bán sản phẩm và tăng trưởng doanh số bán hàng.

Nhiều công ty của Mỹ đang chịu sức ép cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh khách hàng đều thận trọng trong việc mở hầu bao. Ban giám đốc điều hành đã phải tìm cách điều chỉnh kế hoạch chi tiêu phù hợp với nhu cầu của khách hàng, thậm chí cắt giảm chi tiêu cũng như kiên quyết loại bỏ các kế hoạch chi tiêu tốn kém.

Giải thích về xu hướng này, ông Gregory Daco -  nhà kinh tế trưởng thuộc công ty kiểm toán và tư vấn quốc tế Ernst & Young Global Limited (EY) - cho rằng nếu như trước đây, các công ty có thể tìm cách để khách hàng gánh phần nào chi phí tăng cao, thì giờ đây quyền định giá của doanh nghiệp đã suy giảm. Do đó, lãnh đạo các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm các biện pháp khác để cân đối thu chi, nếu không có thể sẽ phải chịu thua lỗ. Theo nhận định của ông Daco, các công ty của Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm sự cân bằng giữa cung và cầu về hàng hóa, dịch vụ cũng như nhân sự.

Theo chuyên gia phân tích bán lẻ David Silverman thuộc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, các công ty đang chịu sức ép về chi tiêu do tăng trưởng bán hàng chỉ ở mức khiêm tốn và thậm chí có thể sụt giảm trong thời gian tới.

Ông Silverman nói: "Quyết định của các công ty về cắt giảm chi tiêu phần nào phù hợp với quan điểm cho rằng năm 2024 có thể sẽ không phải là năm lý tưởng đối với doanh thu và bán hàng". Bên cạnh đó, chuyên gia Silverman cho rằng các công ty cũng phải tính toán các khoản đầu tư vào công nghệ mới hơn để hỗ trợ mảng thương mại điện tử, chuỗi cung ứng bền vững hoặc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI).

Fitch Ratings nhận định nền kinh tế Mỹ có thể sẽ không rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế trong năm nay, song có thể tiếp tục xu hướng điều chỉnh chi tiêu, nhằm cắt giảm chi phí hoạt động.

Dự đoán trên phần nào dựa trên một số trường hợp ngoại lệ trong làn sóng cắt giảm chi phí đang diễn ra mạnh mẽ ở Mỹ. Đó là Walmart - nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ hồi tháng 1 vừa qua cho biết sẽ xây dựng thêm hoặc chuyển đổi hơn 150 cửa hàng trong 5 năm tới, đồng thời đầu tư hơn 9 tỷ USD để tân trang các cửa hàng hiện có.

Trong những tuần gần đây, công ty sản xuất đồ chơi Mattel, "gã khổng lồ" thanh toán trực tuyến PayPal, tập đoàn công nghệ Cisco, công ty sản xuất đồ thể thao Nike, hay tập đoàn mỹ phẩm Estée Lauder và hãng sản xuất quần jeans hàng đầu thế giới Levi Strauss chỉ là một vài trong số các tập đoàn ở Mỹ vừa thực hiện những kế hoạch cắt giảm nhân sự. Danh sác này chưa dừng lại ở đây.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục