Chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng của Hà Nội tăng 1,52%

18:27' - 29/05/2023
BNEWS Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thủ đô tháng 5/2023 tăng 0,16% so với tháng trước, giảm 0,04% so với tháng 12/2022 và tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước.

CPI bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Trong tháng 5, có 8/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước; trong đó, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,27% (tác động làm tăng CPI chung 0,46%) do vào mùa nắng nóng, nhiệt độ trung bình tháng 5/2023 cao hơn nhiều so với tháng trước và cùng kỳ các năm trước nên sản lượng tiêu thụ điện, nước tăng đột biến, dẫn đến bình quân giá điện tăng 2,23%; giá nước tăng 1,74%.

 
Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,18%. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại tăng nhẹ từ 0,03 - 0,15%, trong đó may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,09%; văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,08%; thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,06%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%. Cũng trong tháng 5 có 3/11 nhóm hàng có CPI giảm so với tháng trước.

Nhóm giao thông giảm 2,81% (tác động làm giảm CPI chung 0,28%) do giá xăng, dầu tiếp tục điều chỉnh giảm 2 kỳ vào ngày 4/5 và ngày 11/5 khiến bình quân trong tháng giá nhiên liệu giảm so với tháng trước (giá xăng giảm 7,86%, giá dầu diezen giảm 7,87%); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,38% (tác động làm giảm CPI chung 0,01%); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,10% (tác động làm giảm CPI chung 0,03%) chủ yếu do giá các loại thịt gia cầm, thủy, hải sản và rau tươi, khô, chế biến giảm nên giá nhóm hàng thực phẩm giảm 0,24%.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm trước; trong đó, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 5,26%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,34%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,53%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,82%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,41%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,47%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,36 %; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,0%. Có 3/11 nhóm hàng CPI bình quân 5 tháng giảm so với bình quân cùng kỳ: giáo dục giảm 4,11%; giao thông giảm 2,03%; bưu chính viễn thông giảm 0,35%.

Chỉ số giá vàng tháng 5 tăng 1,62% so với tháng trước, tăng 2,74% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,11% so với tháng 12/2022. Bình quân 5 tháng, chỉ số giá vàng tăng 0,78% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng năm giảm 0,04% so với tháng trước, giảm 2,45% so với tháng 12/2022 và tăng 2,13% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 3,2% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 6,8 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,9 tỷ USD, giảm 5,9%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ như: máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 903 triệu USD, giảm 0,4%; hàng dệt, may đạt 796 triệu USD, giảm 20,6%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 306 triệu USD, giảm 15,3%; giày dép và sản phẩm từ da đạt 182 triệu USD, giảm 5,5%; hàng hóa khác đạt 1.764 triệu USD, giảm 0,6%.

Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 808 triệu USD, tăng 5,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 789 triệu USD, tăng 23,7%; xăng dầu đạt 539 triệu USD, tăng 2,4%; hàng nông sản đạt 414 triệu USD, tăng 22%; điện thoại và linh kiện đạt 98 triệu USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.

Về kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 14,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,8 tỷ USD, giảm 13,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,7 tỷ USD, giảm 15%. Một số nhóm hàng có giá trị nhập khẩu lớn như: máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 2.374 triệu USD, giảm 2%; xăng dầu đạt 2.097 triệu USD, giảm 13,8%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 915 triệu USD, giảm 28,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 827 triệu USD, giảm 15,4%; sắt thép đạt 674 triệu USD, giảm 20,4%; chất dẻo đạt 455 triệu USD, giảm 29,8%; kim loại đạt 400 triệu USD, giảm 18,9%; hàng hóa khác đạt 4.866 triệu USD, giảm 7,3%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục