Chi tiêu hộ gia đình của Nhật Bản lần đầu tiên tăng trong sáu tháng

11:12' - 11/03/2022
BNEWS Chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản đã tăng lần đầu tiên trong sáu tháng vào tháng 1/2022, ngay cả khi sự lây lan nhanh của biến thể COVID-19 Omicron có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng trong tháng này.

Giá năng lượng tăng do căng thẳng Nga-Ukraine cũng đang đe dọa đến hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu. Các nhà phân tích đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, trong đó có một số dự báo sẽ giảm trong quý này.

 

Số liệu chính phủ ngày 11/3 cho thấy chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản trong tháng 1/2022 đã tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn so với ước tính tăng trung bình 3,6% của các nhà kinh tế đưa ra. Chi tiêu hộ gia đình đã giảm 0,2% trong tháng 12/2021.

Số liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng vào các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn và giao thông dẫn đầu mức tăng, trong khi các mặt hàng điện và thực phẩm chứng kiến nhu cầu thấp hơn trong tháng 1/2021.

Để đối phó với sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, Nhật Bản đã nối lại việc hạn chế giờ làm việc tại nhà hàng ở khoảng 70% khu vực của nước này vào cuối tháng này.

Số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc đã đạt đỉnh vào đầu tháng 2/2022 với mức hàng ngày hơn 100.000 ca. Các biện pháp hạn chế đã được mở rộng ở một số khu vực bao gồm cả thủ đô Tokyo cho đến cuối tháng này.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã công bố mức tăng trưởng 4,6% trong quý cuối cùng của năm 2021 khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên sau khi số ca mắc COVID-19 giảm xuống.

Tuy nhiên, sự phục hồi này rất nhỏ và không đồng đều so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác, khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chính sách tiền tệ siêu lỏng, trong khi các ngân hàng trung ương khác bắt đầu giảm các biện pháp khẩn cấp được áp dụng trong năm đầu tiên dịch bệnh bùng phát.

Các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục đi ngang hoặc có thể giảm trong giai đoạn tháng 1-3/2022, trong đó nhu cầu trong nước liên tục suy yếu và căng thẳng ở Ukraine đang gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục