Chia sẻ cách chăn nuôi dê, cừu thích ứng với biến đổi khí hậu

19:13' - 24/08/2018
BNEWS Nhiều giải pháp để chăn nuôi dê, cừu thích ứng với biến đổi khí hậu đã được các nhà khoa học chia sẻ tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp ở Ninh Thuận.

Ngày 24/8, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: “Giải pháp phát triển chăn nuôi dê, cừu bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Ninh Thuận.

Nhiều giải pháp thiết thực để nghề chăn nuôi dê, cừu phát triển bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu đã được các nhà khoa học đến từ các trung tâm nghiên cứu chia sẻ; cùng những kinh nghiệm của một số địa phương phát triển mạnh nghề chăn nuôi.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, nghề chăn nuôi dê, cừu ở nước ta phát triển khá mạnh. Tính đến tháng 10/2017, tổng đàn dê, cừu của cả nước là 2,7 triệu con, tăng 28,6% so với cùng kỳ của năm 2016.

Một trang nuôi dê. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Trong đó, khu vực Duyên hải miền Trung được mệnh danh là thủ phủ chăn nuôi dê, cừu của cả nước, đứng đầu là tỉnh Ninh Thuận với tổng đàn dê hơn 138.000 con, đứng thứ 6, chiếm 54% tổng đàn của cả nước; cừu hơn 160.000 con, đứng vị trí thứ nhất, chiếm 96% tổng đàn của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, những năm qua, nghề chăn nuôi dê, cừu có xu hướng phát triển là do sự quan tâm, hỗ trợ về chủ trương, chính sách của Nhà nước được kịp thời; mặt khác, nhiều địa phương cũng đã chú trọng phát triển chăn nuôi đúng định hướng; người chăn nuôi cũng dần thay đổi tư duy, nhận thức trong phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng để đạt năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ở một số địa phương như Ninh Thuận, Đắc Lắc, Bình Thuận, Phú Yên, Trà Vinh, Tây Ninh, Đồng Nai…, nhiều mô hình chăn nuôi dê, cừu như: mô hình nuôi dê luân chuyển con giống; mô hình chăn nuôi vỗ béo; mô hình nuôi dê, cừu kiểu hợp tác xã; mô hình chăn nuôi trang trại… ngày một phát triển và cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng, trại khép kín; xây dựng vùng nguyên liệu trồng, chế biến thức ăn, nước sạch uống tại chỗ; đồng thời chủ động xây dựng chuỗi chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến phục vụ thị trường rộng khắp.

Người chăn nuôi cừu ở huyện Bác Ái, Ninh Thuận phải mua sữa cho cừu con uống để tránh bị suy yếu. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ông Phạm Minh Quang, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dê, cừu Tân Hà, ở huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) cho biết, muốn có hiệu quả trong chăn nuôi phải chọn con giống tốt; chuồng trại sạch sẽ; thức ăn, nước uống đầy đủ; phòng bệnh, tiêu độc khử trùng thường xuyên…
Hiện nay Hợp tác xã Tân Hà có 10 thành viên cùng tham gia nuôi trên 1.000 con cừu theo hướng trang trại, trung bình mỗi năm hợp tác xã xuất chuồng 5 lứa cừu đực vỗ béo (100 con/lứa), khối lượng lúc xuất chuồng 30 kg/con. Với giá bán 80.000 đồng/kg, mỗi năm hợp tác xã có doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng chăn nuôi qui mô nhỏ lẻ; phương thức nuôi truyền thống; chưa áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Bên cạnh đó, hiện nguồn phối giống vẫn còn hạn chế; chưa chú trọng nhiều đến việc xây dựng nguồn nguyên liệu phục vụ thức ăn; chủ yếu chăn thả; thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, trong khi điều kiện để phát triển chăn nuôi đang bị eo hẹp, tác động của biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề chăn nuôi dê, cừu nói riêng và chăn nuôi gia súc có sừng nói chung.

Đối phó với tình trạng hạn hán, đàn cừu được người chăn nuôi ở huyện Ninh Hải, Ninh Thuận di chuyển xuống khu vực ao, hồ để tìm thức ăn và nước uống. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện nay biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của nghề chăn nuôi. Nhiều địa phương được xem là thủ phủ chăn nuôi dê, cừu đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí là tuột dốc.

Tại một số địa phương vùng Nam Trung bộ, những năm qua, do hạn hán kéo dài, thiếu nước, thiếu thức ăn tự nhiên nên nhiều gia súc đã mất sức đề kháng, nhất là dê, cừu bị suy dinh dưỡng trầm trọng dẫn đến chết nhiều, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, tại Ninh Thuận, tác động của biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng lớn đến nghề chăn nuôi của tỉnh. Gia súc chết do thiếu thức ăn, nước uống liên tục xảy ra hằng năm.

Theo thống kê, số gia súc chết do hạn hán từ đầu năm 2015 đến hết vụ Hè Thu 2016 trên 5.900 con; trong đó dê, cừu hơn 5.600 con. Từ tháng 4 đến nay, khô hạn lại xảy ra đã tác động làm gia súc suy bị dinh dưỡng và chết 118 con; trong đó có hơn 100 con dê và cừu.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng như đại diện các địa phương đều cho rằng, trong chăn nuôi dê, cừu, cái khó hiện nay là vấn đề con giống. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đề xuất với Chính phủ ưu tiên bố trí kinh phí để nhập một số giống dê, cừu từ các nước có điều kiện khí hậu tương đồng để nuôi và có biện pháp nhân đàn.
Bên cạnh đó Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng nên có kế hoạch chọn lọc giống ở từng địa phương để lai tạo, nhằm giữ lại đặc tính tốt của từng giống; hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cao trong lai tạo giống, tạo ra giống mới đưa về cho các địa phương.
Đồng thời, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ, phát triển; xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát chất lượng từ khâu con giống đến sản phẩm cuối cùng; đảm bảo lợi ích và tạo nguồn đầu ra ổn định cho người chăn nuôi cũng như doanh nghiệp sản xuất. Qua đó củng cố hoạt động chăn nuôi, phát triển ổn định.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng, hiện nay diện tích đất tại nhiều địa phương; trong đó có tỉnh Ninh Thuận đang ngày càng bị thu hẹp để đầu tư phát triển công nghiệp, năng lượng tái tạo, làm cho nghề chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Các địa phương cần quy hoạch rõ vùng chăn nuôi cho các loại vật nuôi; cần khảo sát, nghiên cứu những loại thực vật có thể sống được khi nước bị ngập mặn để làm thức ăn cho gia súc; hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi sau xẻ thịt tại địa phương.
Ngoài ra, tổ chức lại cách thức sản xuất theo tổ/nhóm; liên kết ngang, liên kết dọc thật bền chặt giữa các thành viên trong tổ/nhóm và giữa người chăn nuôi với cơ sở giết mổ, để tạo nên chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục