Chiến lược chăm sóc khách hàng và áp lực từ đổi mới công nghệ

15:58' - 24/12/2024
BNEWS Doanh nghiệp có xu hướng đầu tư vào công nghệ chăm sóc khách hàng, như phần mềm tự động hóa, hệ thống CRM (quản lý quan hệ khách hàng) giúp giảm tải khối lượng công việc và nâng cao hiệu suất làm việc

Chăm sóc khách hàng là một yếu tố quan trọng trong chiến lược kinh doanh của mọi doanh nghiệp. Đội ngũ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng mà còn thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận.

Theo một khảo sát của Tổ chức Zendesk, 82% khách hàng sẽ tiếp tục hợp tác kinh doanh với một doanh nghiệp nếu họ nhận được trải nghiệm khách hàng tích cực. Do đó, việc xây dựng một đội ngũ chăm sóc khách hàng chất lượng là cực kỳ cần thiết để duy trì và phát triển doanh thu.

Chia sẻ về thực trạng chăm sóc khách hàng tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Nghiên cứu Thị trường AAA, cho biết, hiện nay, khách hàng ngày càng thông minh hơn, yêu cầu cao hơn về dịch vụ chăm sóc. Là 1 doanh nghiệp sản xuất hay cung cấp dịch vụ, bạn không chỉ cần đáp ứng nhu cầu mà còn phải vượt qua kỳ vọng của khách hàng. Chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng không chỉ đến từ việc đào tạo kỹ năng mà còn đến từ việc xây dựng một môi trường làm việc tích cực. Gần đây, nhiều doanh nghiệp có xu hướng đầu tư vào công nghệ hỗ trợ chăm sóc khách hàng, chẳng hạn như phần mềm tự động hóa và hệ thống CRM (Quản lý quan hệ khách hàng), có thể giúp giảm tải khối lượng công việc và nâng cao hiệu suất làm việc.

Nghiên cứu từ Công ty Salesforce - đơn vị chuyên cung cấp giải pháp quản trị quan hệ khách hàng số 1 thế giới, cho thấy, các doanh nghiệp sử dụng phần mềm CRM có tỷ lệ giữ chân khách hàng cao hơn 29% so với những doanh nghiệp không sử dụng và đơn vị nào có chiến lược chăm sóc khách hàng tốt có thể tăng doanh thu lên 10-15%. Điều này cho thấy rõ ràng sự cần thiết của việc đầu tư vào đội ngũ chăm sóc khách hàng, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp phản ánh, đã đầu tư "mạnh tay" vào việc xây dựng hệ thống chăm sóc khách hàng và hiệu quả đem lại không những doanh thu tăng trưởng mà còn giảm tỉ lệ khiếu nại từ khách hàng. Việc áp dụng hệ thống phản hồi để khách hàng có thể dễ dàng gửi ý kiến và nhận lại sự hỗ trợ kịp thời đã cải thiện đáng kể sự hài lòng của khách hàng.

Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống chăm sóc khách hàng không thể tiến hành trong ngày một ngày hai và thường mất khoảng thời gian khá dài với rất nhiều thách thức đặt ra.

Qua tổng hợp ý kiến từ nhiều doanh nghiệp, khách hàng ngày càng có những kỳ vọng cao hơn về chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Với sự phát triển của công nghệ và thông tin, họ có thể dễ dàng so sánh và tìm kiếm thông tin, dẫn đến việc yêu cầu dịch vụ nhanh chóng và hiệu quả hơn. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp hiện nay đều thiếu nhân sự được đào tạo chuyên nghiệp, đủ kỹ năng và được đào tạo bài bản trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân viên có khả năng giao tiếp và giải quyết vấn đề tốt. Thêm vào đó, áp lực từ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng yêu cầu nhân viên chăm sóc khách hàng phải luôn cập nhật kiến thức và kỹ năng; áp dụng các công cụ quản lý quan hệ khách hàng (CRM) hay phần mềm hỗ trợ khác cũng cần thời gian và năng lực để vận hành hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp chưa thiết lập được quy trình phản hồi nhanh chóng và hiệu quả, khiến khách hàng có thể cảm thấy không được chăm sóc tốt. Điều này có thể dẫn đến sự không hài lòng và thậm chí là mất khách hàng. Việc chăm sóc khách hàng hiện đại cũng đặt ra yêu cầu cần phân tích và sử dụng dữ liệu để hiểu rõ nhu cầu và hành vi của họ nên việc thiếu hụt khả năng phân tích dữ liệu có thể khiến doanh nghiệp không đưa ra được quyết định đúng đắn trong việc cải thiện dịch vụ. Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc giữ chân khách hàng trung thành trở nên khó khăn hơn. Khách hàng luôn có lựa chọn và có thể dễ dàng chuyển sang đối thủ nếu cảm thấy không hài lòng với dịch vụ. Cuối cùng là việc thiếu giao tiếp hiệu quả giữa các bộ phận trong doanh nghiệp có thể dẫn đến những hiểu lầm và thiếu sót trong quá trình phục vụ khách hàng. Khi nhân viên không nhận được thông tin đầy đủ hoặc không đồng nhất, điều đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách hàng.

Trước những thách thức này, bà Triệu Vy Hoàng Thương, Giám đốc chăm sóc khách hàng, Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Sản xuất Trần Gia chia sẻ thực tiễn, doanh nghiệp phải thường xuyên xây dựng các chương trình đào tạo chăm sóc khách hàng cho đội ngũ nhân viên. Đào tạo không chỉ về kỹ năng giao tiếp mà còn về sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Đồng thời, xây dựng thang điểm đánh giá hiệu suất của nhân viên chăm sóc khách hàng. Các chỉ số như tỷ lệ hài lòng của khách hàng (CSAT), tỷ lệ giữ chân khách hàng và thời gian phản hồi... đều là những chỉ số quan trọng để đo lường hiệu quả.

Doanh nghiệp cũng cần tạo môi trường làm việc tốt để khuyến khích nhân viên đề xuất ý tưởng cải thiện dịch vụ; đồng thời, đầu tư vào phần mềm hỗ trợ chăm sóc khách hàng, chẳng hạn như các công cụ chatbot và phần mềm quản lý quan hệ khách hàng sẽ giúp nâng cao hiệu suất làm việc của đội ngũ. Việc thu thập phản hồi từ khách hàng sau mỗi giao dịch để hiểu rõ hơn về trải nghiệm của họ cũng cần được chú trọng bởi theo nhiều nghiên cứu, 70% khách hàng cho rằng họ không nhận được sự quan tâm thực sự từ doanh nghiệp đã dẫn đến việc họ tìm đến đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp, bà Triệu Vy Hoàng Thương nhấn mạnh.

Việc xây dựng một đội ngũ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp và hiệu quả là điều tuyệt đối cần thiết để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc đầu tư vào đào tạo, công nghệ và xây dựng môi trường làm việc tích cực sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ giữ chân khách hàng mà còn mở rộng thương hiệu trên thị trường. Hãy luôn nhớ rằng "khách hàng là Thượng đế". Chỉ khi nào doanh nghiệp thực sự chú trọng đến trải nghiệm khách hàng thì mới có thể xác định được thành công lâu dài trong một môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Việc lắng nghe và cải tiến không ngừng sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua mọi thách thức và đạt được thành tựu lớn lao.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục