Chiến lược "chuyển mình" của ngân hàng Việt

09:44' - 18/05/2025
BNEWS Mùa đại hội đồng cổ đông năm 2025 ghi nhận nhiều ngân hàng không chỉ tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro, mà còn đẩy mạnh mở rộng hoạt động theo hướng mô hình tập đoàn tài chính.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất ổn, đặc biệt là các nguy cơ liên quan đến chính sách thuế đối ứng của Mỹ, ngành ngân hàng Việt Nam đang có những bước đi thận trọng nhưng quyết liệt nhằm vừa phòng ngừa rủi ro, vừa tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Mùa đại hội đồng cổ đông năm 2025 ghi nhận nhiều ngân hàng không chỉ tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro, mà còn đẩy mạnh mở rộng hoạt động theo hướng mô hình tập đoàn tài chính.

*Rủi ro khó định lượng

Một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm lớn tại các cuộc họp cổ đông năm nay chính là tác động tiềm tàng từ các mức thuế đối ứng mà Mỹ có thể áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Với việc Mỹ ngày càng siết chặt chính sách thương mại và bảo hộ, các doanh nghiệp xuất khẩu - đặc biệt là những đối tác lớn của ngân hàng - có nguy cơ bị ảnh hưởng về biên lợi nhuận, từ đó gián tiếp tác động đến chất lượng tín dụng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, biên lợi nhuận trung bình của khách hàng xuất khẩu sang Mỹ hiện ở mức khoảng 10%. Nếu thuế suất mới khiến chi phí tăng vượt mức này, nhiều doanh nghiệp có thể mất khả năng cạnh tranh, thậm chí đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Dù tỷ trọng cho vay các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ được đánh giá là khá thấp - chỉ dao động từ 0,6 - 1,9% tổng dư nợ tùy ngân hàng, nhưng các tổ chức tín dụng vẫn giữ thái độ hết sức thận trọng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) càng có lý do để thận trọng hơn khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới 10% tổng dư nợ cho vay. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài trợ thương mại, nơi Vietcombank đang dẫn đầu với khoảng 20% thị phần, sự suy giảm đơn hàng từ Mỹ có thể kéo theo sụt giảm hoạt động thanh toán quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu ngoài lãi.

Dữ liệu cập nhật cho thấy, một số ngân hàng như TPBank có dư nợ xuất khẩu sang Mỹ vào khoảng 2.160 tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng dư nợ; Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) ở mức 1,1%; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 0,5%. Riêng Vietcombank, dư nợ cho khối FDI lên tới gần 148 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng dư nợ, phản ánh mối liên hệ chặt chẽ giữa ngân hàng và khối doanh nghiệp xuất khẩu.

Tác động từ thuế quan không chỉ dừng lại ở những con số trực tiếp. Điều đáng ngại hơn chính là rủi ro gián tiếp từ sự suy yếu trong tiêu dùng toàn cầu và sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản, vốn là những lĩnh vực có khả năng kéo theo phản ứng dây chuyền trong hệ thống tài chính. Trong kịch bản căng thẳng thương mại leo thang, điều này có thể trở thành mối đe dọa thực sự đến chất lượng tài sản của ngân hàng.

*Tái cấu trúc mô hình tăng trưởng

Ngoài câu chuyện thuế quan, áp lực từ biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và nhu cầu đa dạng hóa nguồn thu cũng khiến nhiều ngân hàng phải chủ động chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng tích hợp, cụ thể là phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính, gồm ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm.

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là hai cái tên tiên phong công bố kế hoạch mua lại hoặc thành lập công ty chứng khoán nhằm mở rộng hệ sinh thái. Động lực đằng sau những động thái này không chỉ là kỳ vọng tăng thu từ phí dịch vụ, mà còn đến từ sức hấp dẫn của mảng cho vay ký quỹ.

Theo báo cáo của SSI Research, hoạt động margin đã tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 46% trong năm 2023 và 41% trong năm 2024. Đây là mảng có biên lợi nhuận cao, giúp cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh cho các công ty chứng khoán.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, xem đây như một trụ cột trong chiến lược dài hạn. Việc thành lập công ty bảo hiểm nội bộ cho phép ngân hàng kiểm soát chuỗi giá trị và tăng tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm, thay vì chỉ đóng vai trò trung gian phân phối. Đồng thời, nguồn thu từ phí bảo hiểm cũng đóng vai trò bù đắp trong bối cảnh lãi suất cho vay có xu hướng giảm và cạnh tranh gay gắt khiến NIM tiếp tục bị bào mòn.

Thực tế, các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và nhỏ đang chịu áp lực lớn khi phải cạnh tranh với các ngân hàng quốc doanh đang tung ra các gói vay mua nhà ưu đãi cho người trẻ, với lãi suất cố định chỉ từ 5,5 - 6%/năm trong ba năm đầu. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn ở mức cao hơn, từ 8 - 10%/năm, tùy quy mô. Để duy trì tệp khách hàng chất lượng, nhiều ngân hàng buộc phải hạ lãi suất, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận biên.

Chính vì vậy, mở rộng sang các lĩnh vực tài chính phi ngân hàng không chỉ là lựa chọn chiến lược mà còn là yêu cầu sống còn nếu ngân hàng muốn giữ vững tăng trưởng trong môi trường biến động như hiện nay.

*Củng cố nội lực để “vượt sóng ngược gió”

Bức tranh chung cho thấy, các ngân hàng Việt Nam đang bước vào năm 2025 với tư thế thận trọng, nhưng không bi quan. Báo cáo của SSI Research ghi nhận, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt mức trung bình 17% so với cùng kỳ - con số tích cực trong bối cảnh nhiều ngành khác đang bị thắt chặt chi tiêu đầu tư.

Riêng Vietcombank đề ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn hơn, ở mức 3,5%, cho thấy sự thận trọng trong bối cảnh rủi ro bên ngoài gia tăng. Tuy nhiên, ngân hàng cũng đã và đang chuẩn bị các phương án quản lý rủi ro kỹ lưỡng, đặc biệt là trong kịch bản xuất khẩu toàn cầu suy giảm.

Điểm sáng của hệ thống ngân hàng hiện nay chính là khả năng quản trị vốn và tài sản đang dần được nâng cao. Những ngân hàng có vốn tự có lớn, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ổn định và danh mục tài sản chất lượng cao sẽ có lợi thế rõ rệt trong cuộc đua sắp tới. Đây cũng là nhóm ngân hàng được kỳ vọng sẽ dẫn dắt ngành vượt qua giai đoạn nhiều biến động và đạt được sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động và sức ép nội tại ngày càng gia tăng, việc vừa củng cố nền tảng rủi ro, vừa đẩy mạnh chuyển đổi mô hình hoạt động là hướng đi phù hợp để thích ứng và bứt phá. Dù còn nhiều ẩn số ở phía trước, nhưng sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về chiến lược lẫn nguồn lực sẽ giúp các ngân hàng không chỉ trụ vững, mà còn có thể tận dụng cơ hội để mở rộng ảnh hưởng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành những tập đoàn tài chính hiện đại trong khu vực.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục