Chiến lược giữ chân người lao động sau đại dịch COVID-19

14:39' - 14/06/2022
BNEWS Ngày 14/6, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An phối hợp cùng ManpowerGroup Việt Nam tổ chức hội thảo chủ đề “Giữ chân người lao động sau đại dịch COVID-19”.

 Hội thảo nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường lao động năm 2022, những mong muốn và nhu cầu mới của người lao động.

Các diễn giả chia sẻ chiến lược thu hút và giữ chân người lao động. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Tại hội thảo, các diễn giả là những quản lý nhân sự cấp cao tại các doanh nghiệp lớn trong nước đã chia sẻ chiến lược để thu hút và giữ chân người lao động phù hợp với nguồn lực và khả năng của tổ chức.

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tác động của đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn lan rộng đến cả doanh nghiệp trong khía cạnh lao động việc làm.

Các diễn giả chia sẻ chiến lược thu hút và giữ chân người lao động. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

 

Trong quý I/2022, thị trường việc làm đã ghi nhận sự thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành sản xuất, chế biến chế tạo như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ… và một số ngành đang có nhu cầu phát triển mạnh như công nghệ và công nghệ thông tin.

 

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để phục hồi thị trường lao động như tập trung đảm bảo an sinh xã hội cơ bản cho người lao động; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng chuyển đổi số; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường kết nối cung – cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Tuy nhiên những giải pháp trên mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu của thị trường lao động và còn rất nhiều vấn đề đặt ra.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những xáo trộn lớn cho thị trường lao động, ảnh hưởng sâu sắc đến doanh nghiệp, người lao động trên cả nước. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2022, cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Một khảo sát khác được thực hiện giữa ManpowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) năm 2021 cho thấy hơn 1/5 doanh nghiệp (21%) ngành sản xuất và chế biến chế tạo có vốn đầu tư nước ngoài hiện gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và tuyển dụng đủ số lượng nhân lực có kỹ năng phù hợp. Trong khi đó, nhu cầu về nhân lực trên cả nước được dự đoán sẽ tiếp tục tăng để theo kịp đà phục hồi và phát triển kinh tế.

Là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh, Long An có tới 13.712 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và 1.127 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Hai năm qua Long An là một trong những địa phương chịu tác động lớn bởi đại dịch COVID-19, nhất là những ảnh hưởng đến lao động, việc làm, thu nhập của người lao động.

Hiện nay toàn tỉnh vẫn thiếu hụt khoảng 51.000 lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng và quan trọng hơn là giữ chân người lao động gắn kết với doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động nhiều thách thức.

Theo kết quả cuộc khảo sát nhanh do ManpowerGroup Việt Nam thực hiện vào đầu tháng 6/2022, doanh nghiệp tại Long An đang đối mặt với nhiều thách thức khác nhau trong quản trị nhân sự.

Gần 40% nhà tuyển dụng cho biết họ không thể tuyển dụng đủ số lượng lao động như mong muốn, 31% chia sẻ mức lương và phúc lợi họ mang đến cho người lao động chưa đủ cạnh tranh và khoảng 1/3 doanh nghiệp (32%) thừa nhận tỉ lệ nghỉ việc tại doanh nghiệp đang khá cao. Trên thực tế, các doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của các phúc lợi đối với người lao động, được thể hiện qua nhiều hình thức phúc lợi đa dạng.

Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, một vài phúc lợi người lao động kỳ vọng chưa thực hiện được, trong đó có chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng, phụ cấp ăn trưa, chế độ giờ làm việc linh hoạt hay chương trình thi đua khen thưởng…

Trong phần thảo luận và trao đổi kinh nghiệm, các diễn giả khách mời đã cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến phúc lợi của người lao động trong giai đoạn bình thường này, về sức khỏe thể chất và tinh thần; những mong muốn về thu nhập cạnh tranh, môi trường làm việc tốt, văn hóa doanh nghiệp truyền cảm hứng hay cơ hội trau dồi kỹ năng cho người lao động. “Những doanh nghiệp thấu hiểu những mong muốn này của người lao động và phát triển chiến lược phù hợp sẽ thành công trong kỷ nguyên thiếu hụt nhân tài hiện nay” – bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Tuyển dụng cấp cao và tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục