Chiến lược kinh tế mới cho Hàn Quốc

05:30' - 14/07/2025
BNEWS Thương mại là trụ cột quan trọng đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Trong năm 2024, xuất khẩu chiếm 39,1% GDP của Hàn Quốc và nền kinh tế này khó có thể tái cân bằng khỏi xuất khẩu trong tương lai gần.

Theo bài viết trên tờ "The Korea Times", Hàn Quốc cần một chiến lược kinh tế dài hạn mới để giảm sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại truyền thống như Mỹ và Trung Quốc.

Mặc dù mối quan hệ kinh tế với Mỹ vẫn giữ vai trò thiết yếu trong ngắn hạn, đặc biệt đối với các ngành mũi nhọn, nhưng những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Trung Quốc đang tạo ra những thách thức đáng kể. Cùng với đó, tình hình bất ổn chính sách nội địa, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh và tâm lý nhà đầu tư.

Sự cần thiết của một chiến lược kinh tế dài hạn mới

Thương mại vẫn là trụ cột quan trọng đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Trong năm 2024, xuất khẩu chiếm 39,1% GDP của Hàn Quốc, và nền kinh tế này khó có thể tái cân bằng khỏi xuất khẩu trong tương lai gần. Với xuất khẩu tính theo tỷ lệ phần trăm GDP không có khả năng giảm xuống mức thấp như tỷ lệ 10,9% GDP của Mỹ, độ tin cậy của các đối tác thương mại của Hàn Quốc sẽ rất quan trọng. Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc dường như không cung cấp cho Hàn Quốc độ tin cậy như vậy. 

 

Trong ngắn hạn, Chính phủ Hàn Quốc đã tập trung đúng đắn vào mối quan hệ kinh tế với Mỹ. Nền kinh tế lớn nhất thế giới là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc, chiếm 18,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đối với một số công ty, thị trường Mỹ thậm chí còn quan trọng hơn đáng kể so với Trung Quốc.

Năm ngoái, Hyundai bán 1,6 triệu xe tại Mỹ trong tổng số 4,1 triệu xe bán trên toàn cầu, so với chỉ 469.000 xe bán ở Trung Quốc. Khoản đầu tư hiện tại và theo kế hoạch 54 tỷ USD vào sản xuất pin EV tại Mỹ càng khẳng định tầm quan trọng của thị trường này cho sự phát triển dài hạn của ngành công nghiệp pin EV Hàn Quốc.

Trong khi đó, Samsung gần như bị đẩy khỏi thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc, nhưng đứng thứ hai sau Apple tại Mỹ. Các chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ cũng cực kỳ quan trọng đối với thành công lâu dài của Samsung và SK Hynix trong doanh số bán chất bán dẫn trên toàn cầu.

Mặc dù thị trường Mỹ ngày càng quan trọng kể từ khi thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do giữa Hàn Quốc và Mỹ (KORUS FTA), những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ và sự cạnh tranh gia tăng từ các công ty Trung Quốc đang tạo ra thách thức trong trung và dài hạn. Kinh nghiệm liên quan đến các biện pháp trả đũa kinh tế mà Trung Quốc áp dụng đối với Hàn Quốc nhằm phản đối việc Seoul triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và các công cụ mà Trung Quốc đã sử dụng để phát triển các công ty thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng với các công ty Hàn Quốc trong các ngành công nghiệp chiến lược, cũng cho thấy rằng Trung Quốc khó có thể là nguồn tăng trưởng kinh tế như trong phần lớn hai thập kỷ qua.

Các trụ cột của chiến lược mới

Để đối phó với những thách thức này, Hàn Quốc cần một cách tiếp cận mới. Bước đầu tiên là Hàn Quốc sẽ tích cực tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dù Hàn Quốc đã có FTA song phương với các nước CPTPP hoặc các thỏa thuận khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), việc tham gia CPTPP vẫn mang lại lợi ích lớn. CPTPP có phạm vi mở rộng và tham vọng hơn một số hiệp định thương mại hiện có, đồng thời là một nhóm các quốc gia có cùng chí hướng ủng hộ hệ thống thương mại dựa trên luật lệ. Điều này sẽ tăng cường hợp tác và mang lại cho Hàn Quốc nhiều tiếng nói hơn trong quá trình phát triển các quy tắc thương mại trong tương lai.

Hàn Quốc cũng nên tìm cách đa dạng hóa thương mại. Theo truyền thống, điều này có nghĩa là mở rộng quan hệ đối tác ở Nam Á và Đông Nam Á, nhưng một cách tiếp cận chiến lược hơn là cần thiết. Thay vì chỉ tập trung vào các khu vực châu Á, Hàn Quốc nên áp dụng định nghĩa rộng hơn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để mở rộng quan hệ kinh tế sang châu Phi và Mỹ Latinh. Hàn Quốc cũng cần tăng cường quan hệ với các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu, nơi có cơ hội khai thác quỹ quốc phòng mới trị giá 150 tỷ USD của EU.

Ngoài ra, một phần không thể thiếu của bất kỳ kế hoạch kinh tế mới nào cũng sẽ bao gồm cải cách trong nước. Cải cách quan trọng nhất là tích hợp AI vào nền kinh tế theo cách hỗ trợ đổi mới và giảm chi phí thông qua việc nâng cao kỹ năng, đảm bảo các công ty Hàn Quốc có khả năng cạnh tranh ở nước ngoài mà không phải đánh đổi bằng việc làm trong nước.

Rào cản nội tại

Tờ “The Korea Herald” bình luận, trong bối cảnh nền kinh tế cần một định hướng rõ ràng, chính sách AI của Hàn Quốc đang gây lo ngại sâu sắc cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hàn Quốc đã bỏ lỡ thời hạn 30/6 để công bố dự thảo các nghị định và quy tắc thực thi luật AI cơ bản của nước này. Tình trạng chậm trễ này một phần được lý giải bởi chính quyền mới của Tổng thống Lee Jae Myung, người nhậm chức được hơn một tháng, vẫn đang ổn định bộ máy.

Ban đầu, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia trong ngành cho rằng việc ban hành luật AI sẽ giúp các công ty Hàn Quốc kinh doanh tại các thị trường lớn, nơi dự kiến có các quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, đầu năm nay, chính sách AI toàn cầu đã có bước chuyển mạnh mẽ theo hướng ưu tiên phát triển đổi mới AI, đặc biệt là sau khi các nhà phát triển Trung Quốc công bố các hệ thống AI đẳng cấp thế giới. Các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Canada và Đức đã có những bước đi táo bạo để thúc đẩy phát triển AI và một số trong số các nước này đã chuyển hướng chính sách khỏi quy định. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Hàn Quốc có thể đã hành động quá vội vàng, tự "nhốt" mình vào cách tiếp cận theo hướng ưu tiên quy định.

Những lo ngại này thậm chí còn khiến đảng Dân chủ Hàn Quốc - hiện là đảng cầm quyền - đề xuất một dự luật sửa đổi vào tháng Tư để đình chỉ các điều khoản quản lý trong 3 năm, nhấn mạnh rằng "xu hướng liên quan đến AI ở Mỹ, EU và Nhật Bản đã chuyển hướng từ quản lý sang thúc đẩy và tăng trưởng ngành".

Bộ Khoa học Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (MSIT) cũng đang xem xét áp dụng thời gian gia hạn đối với điều khoản áp dụng tiền phạt sau khi luật có hiệu lực, tương tự như việc trì hoãn biện pháp quản lý. Tuy nhiên, sự không chắc chắn vẫn còn rất lớn vì Tổng thống Lee vẫn chưa tiết lộ cách thực hiện các cam kết tranh cử của mình, bao gồm việc cải tổ Ủy ban AI của Tổng thống.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng sự bất ổn còn tồi tệ hơn bất cứ điều gì đối với thế giới kinh doanh cũng như đối với tâm lý của nhà đầu tư đối với Hàn Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng.

Việc tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các công ty Hàn Quốc và tăng cường khả năng cạnh tranh sẽ là cần thiết trong trung hạn để vượt qua những thách thức một cách thành công.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục