Chiều 18/5, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên

16:03' - 18/05/2022
BNEWS Chiều 18/5, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên, trước đồn đoán việc nới lỏng chính sách hạn chế do dịch COVID-19 tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.

Vào lúc 13 giờ 33 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 23 xu Mỹ (0,2%) lên 112,16 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 71 xu Mỹ (0,6%) lên 113,11 USD/thùng.

Ngày 16/5, một quan chức thành phố Thượng Hải cho biết trung tâm tài chính và sản xuất của Trung Quốc này đặt mục tiêu từ ngày 1/6 tới trở lại cuộc sống bình thường, sau khi 15 quận trong số 16 quận của thành phố không còn ca mắc COVID-19 bên ngoài các khu cách ly.

Từ ngày 16/5, các siêu thị, cửa hàng tiện ích và hiệu thuốc được mở cửa trở lại và từ ngày 1/6, Thượng Hải sẽ khôi phục cuộc sống bình thường. Thành phố cũng có kế hoạch tăng dần các chuyến bay nội địa và dịch vụ đường sắt.

Ông Stephen Innes, đối tác quản lý tại công ty quản lý tài sản SPI Asset Management có trụ sở tại Thụy Sỹ, nhận định thông tin từ Trung Quốc dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và là tin mừng đối với các nhà sản xuất.

Về phía nguồn cung, Viện Xăng Dầu Mỹ cho biết dự trữ dầu thô tại nước này đã giảm 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/5. Theo các chuyên gia, số liệu này đã hỗ trợ đà tăng cho giá dầu WTI.

Các nhà phân tích tại bộ phận nghiên cứu ANZ Research thuộc ngân hàng ANZ của Australia cho rằng giá dầu vẫn chịu sức ép, sau báo cáo cho thấy  Chính phủ Mỹ đã quyết định sẽ nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đối với Venezuela, trong đó có liên quan tới “giấy phép hạn chế” được cấp cho tập đoàn dầu khí Chevron của Mỹ trong khuôn khổ lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt với lĩnh vực dầu khí của Venezuela từ năm 2019.

Một vấn đề khác tác động đến thị trường là thông tin Liên minh châu Âu (EU) và Hungary đang đàm phán về hỗ trợ tài chính để nước này từ bỏ việc phủ quyết lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ của Nga.

Đầu tháng này, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một gói trừng phạt mới áp đặt với Nga, bao gồm cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu mỏ của nước này trong thời gian 6 tháng. Tuy nhiên, nhưng các biện pháp này vẫn chưa được thông qua, trong đó Hungary là một trong những quốc gia không ủng hộ kế hoạch trên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục