Chính phủ làm việc với TP HCM về giải ngân vốn đầu tư công
Chiều 20/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và cho ý kiến tháo gỡ khó khăn đối với một số dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2020, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã giao và phân bố chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của Thành phố với tổng số vốn là 41.691,846 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Thành phố là 33.940,764 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 7.751,082 tỷ đồng.
Tính đến ngày 15 tháng 7 năm 2020, khối lượng giải ngân đạt 18.836 tỷ đồng, đạt trên 45% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ.
Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán thì tỷ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.
Mặc dù hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc nhưng trong quá trình thực hiện vừa qua, Thành phố cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.
Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm đóng góp cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của Thành phố thời kỳ sau dịch COVID-19.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mặc dù thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 nhưng tăng trưởng vẫn ở mức thấp, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng chung của cả nước.
Đặc biệt, có một số dự án lớn trên địa bàn lâm vào tình trạng ách tắc, chậm trễ trong triển khai, nhất là các dự án đầu tư công.
Thủ tướng đề nghị Thành phố tiếp tục tập trung làm tốt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp hướng đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Cùng với đó là xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025; kế hoạch đầu tư trung hạn, lộ trình số hóa, chuyển đổi số đối với một thành phố có tầm quan trọng đặc biệt của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, trên cơ sở vai trò, vị trí to lớn của Thành phố Hồ Chí Minh đối với cả nước, các bộ, ngành cần tập trung hỗ trợ Thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai giải ngân các dự án lớn, tháo gỡ các nút thắt góp phần thúc đẩy thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 của Thành phố; trong đó, có việc hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng mới một Khu công nghiệp để mở rộng sản xuất, thu hút hơn nữa các nguồn vốn đầu tư.
Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của Thành phố, Thủ tướng nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công trong công tác khống chế, phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời có quyết tâm cao trong giải ngân vốn đầu tư công với kết quả giải ngân được gần 49%.
Đặc biệt, Thủ tướng hoan nghênh cam kết của lãnh đạo Thành phố đặt quyết tâm hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Thành phố Hồ Chí Minh làm tốt công tác hỗ trợ an sinh xã hội; từng bước thực hiện có hiệu quả lộ trình số hóa….
Lưu ý bối cảnh thời gian từ nay đến hết năm 2020 còn rất ngắn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không được để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải ngân và thu hút vốn đầu tư.
Đặc biệt, các cấp, ngành của Thành phố, cần tránh tình trạng trì trệ; nâng cao tính năng động, sáng tạo, quyết liệt, bám công việc, tập trung huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết những vấn đề khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng – một khâu yếu thường gặp trong giải ngân vốn đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, có những biện pháp quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công như tổ chức giao ban thường xuyên, đánh giá tiến độ, khen thưởng, kiểm tra các hạng mục công việc được giao; đề nghị Thành phố tiếp tục thúc đẩy đầu tư tư nhân, thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài, Thủ tướng đặt yêu cầu không được để tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra; bên cạnh đó là phát triển mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp để giảm tỷ lệ thất nghiệp, tránh nguy cơ đổ vỡ chuỗi sản xuất, cung ứng… đây là vấn đề rất có ý nghĩa đối với một địa phương có tỷ lệ đóng góp GDP của cả nước lớn như Thành phố Hồ Chí Minh.
Gợi ý một số định hướng phát triển của Thành phố từ nay đến hết năm, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc kích cầu tiêu dùng bởi Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tiêu dùng lớn nhất cả nước, là nguồn kích cầu thị trưởng cả nước.
Song song với đó là đẩy mạnh phát triển mảng kinh tế dịch vụ như: Bất động sản cả ngắn hạn và dài hạn, bất động sản công nghiệp bởi nhu cầu có nhà ở của người dân còn rất lớn; ngoài ra là chứng khoán, ngân hàng, du lịch… vì lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế của Thành phố. Qua đó, giải quyết việc làm, phát triển đô thị thúc đẩy tăng trưởng chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi ý Thành phố thúc đẩy rõ nét hơn việc phát triển kinh tế ban đêm bởi theo tính toán cứ 4 tiếng đồng hồ kinh tế ban đêm đóng góp từ 5 – 8% GDP của Thành phố và đây cũng là thế mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh; chú trọng hơn nữa kinh tế số, thương mại điện tử (chiếm 2% GDP của thành phố).
Về vấn đề đầu tư công và đầu tư tư nhân, Thủ tướng lưu ý Thành phố tăng hạn mức tín dụng GDP; chỉ đạo điều hành quyết liệt tháo gỡ những điểm khó, vướng mắc hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát huy hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, tự chủ, tự giải quyết những vấn đề vướng mắc; không vì để xảy ra một số sai phạm mà chùn bước trong phát triển.
Thành phố cần sáng tạo hơn nữa trong giải pháp, phát huy tinh thần tiến công của năm kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhân dịp 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Cách, sinh năm 1927, trú tại phường Phạm Ngũ Lão; ông Trần Văn Đủ, sinh năm 1950, thương binh hạng ¼ trú tại phường Nguyễn Cư Trinh; bà Nguyễn Thị Bé, sinh năm 1957, vợ liệt sĩ ở phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 3 tuyến đường sắt phục vụ an sinh xã hội
15:40' - 20/07/2020
Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc các tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều và Yên Viên - Hạ Long được Nhà nước hỗ trợ khi thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng: Cần chấm dứt tình trạng “trì trệ” trong giải ngân vốn đầu tư công
16:06' - 18/07/2020
Hoan nghênh quyết tâm cao của 12 địa phương tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu cần “chấm dứt tình trạng trì trệ” trong giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Chủ tịch WB: Việt Nam là câu chuyện thành công điển hình về phát triển kinh tế
22:02' - 22/11/2024
Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương khẳng định: Việt Nam là câu chuyện thành công điển hình về phát triển kinh tế.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần Thơ ứng trước hơn 410 tỷ đồng ngân sách địa phương nâng cấp Quốc lộ 91
20:32' - 22/11/2024
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường vừa ký quyết định ứng trước kế hoạch vốn cho dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 với số tiền hơn 410 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia
19:57' - 22/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Petronas sớm xây dựng chiến lược, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập giữa hai nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng trong năm 2025
19:32' - 22/11/2024
Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng ông Phan Kiều Hưng cho biết, đơn vị sẽ triển khai đầu tư xây dựng hai dự án trọng điểm trong năm 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng
17:22' - 22/11/2024
Vừa qua, tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội đã cho phép nghiên cứu thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
-
Kinh tế Việt Nam
Kết nối chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản Việt Nam - Nhật Bản
16:44' - 22/11/2024
Với lợi thế của Việt Nam và sự hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản, Việt Nam có thể trở thành cường quốc về nông nghiệp.
-
Kinh tế Việt Nam
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): cần tính toán để có lộ trình phù hợp
14:36' - 22/11/2024
Chính phủ cần phải tính toán để có lộ trình phù hợp đối với phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân, chứ không phải cứ nghĩ tăng thuế là tạo nguồn thu tốt hơn.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Cân nhắc kỹ lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
13:45' - 22/11/2024
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
-
Kinh tế Việt Nam
Huy động tối đa nguồn lực hoàn thành 2 tuyến cao tốc
13:04' - 22/11/2024
Nhằm đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tỉnh Hậu Giang triển khai đợt cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”.