Chính phủ Nhật Bản lên tiếng về việc chọn người kế nhiệm Thống đốc BoJ

16:24' - 06/02/2023
BNEWS Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihiko Isozaki đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên truyền thông về việc chọn người kế nhiệm Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda.

Ngày 6/2, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihiko Isozaki đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên truyền thông rằng Chính phủ đã đánh tiếng đề nghị Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Masayoshi Amamiya làm người kế nhiệm Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 8/4 tới.

Hãng tin Jiji Press dẫn lời ông Isozaki khẳng định tại một cuộc họp báo rằng thông tin đó không chính xác. Ông Isozaki nói: “Quan điểm cơ bản của chúng tôi đó là chúng tôi sẽ bổ nhiệm người thích hợp nhất (làm Thống đốc BoJ) vào thời điểm đó”.

 

Về phần mình, phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nói ông “không nghe nói gì” về vấn đề này.

Trước đó, vào sáng 6/2, tờ Nikkei Asia dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Chính phủ Nhật Bản đã tiếp xúc để đặt vấn đề với ông Amamiya với tư cách là người có thể kế nhiệm Thống đốc Kuroda trong bối cảnh Tokyo đang chuẩn bị cho sự thay đổi đầu tiên ở vị trí lãnh đạo BoJ trong một thập kỷ qua. Theo Nikkei Asia, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đệ trình danh sách các ứng cử viên cho vị trí thống đốc và hai phó thống đốc của BoJ lên Quốc hội trong tháng này.

Ngay lập tức, đồng yen đã bất ngờ giảm giá mạnh so với đồng bạc xanh của Mỹ do tác động của thông tin trên. Vào lúc 9 giờ sáng 6/2 tại thị trường Tokyo, tỷ giá giữa hai đồng tiền được niêm yết ở mức 132,06-07 yen/USD, tăng mạnh so với mức giá giao dịch 131,15-25 yen/USD tại thị trường New York và 128,59-62 yen/USD ở thị trường Tokyo vào lúc chốt phiên cuối tuần trước.

Giới phân tích cho rằng nguyên nhân khiến đồng yen mất giá là do các nhà đầu tư lo ngại nếu được thăng chức, Phó Thống đốc Amamiya có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hiện nay của Thống đốc Kuroda. Điều này sẽ khiến khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ có thể sẽ tiếp tục nới rộng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, từ đó khiến đồng yen suy yếu.

Hãng tin Kyodo dẫn lời ông Takuya Kanda, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Gaitame.com, nhận định ông Amamiya, người đóng vai trò quan trọng trong chính sách nới lỏng tiền tệ của Thống đốc Kuroda, “được coi là người chủ hòa”, từ đó dẫn tới quan điểm cho rằng ông ấy sẽ tiếp tục duy trì lập trường mà Thống đốc Kuroda đang theo đuổi. Ông Kanda dự báo “thị trường đang giữ quan điểm chờ và xem khi Chính phủ vẫn chưa chính thức quyết định” về người kế nhiệm Thống đốc Kuroda.

Nhiệm kỳ hiện tại của Thống đốc Kuroda sẽ kết thúc vào ngày 8/4. Vào tháng 11/2022, ông Kuroda đã bác bỏ ý tưởng tiếp tục tại vị sau khi kết thúc nhiệm kỳ khi nói: “Tôi sẽ giữ chức thống đốc được 10 năm vào tháng 4 năm tới sau khi nhiệm kỳ thứ 2 kết thúc. Tôi không có mong muốn được tái bổ nhiệm”.

Thống đốc tiếp theo của BoJ sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn là vạch ra lộ trình mới cho ngân hàng trung ương này sau khi Fed và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới đều tăng lãi suất để chống lạm phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục