Chính sách nào để khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam?

16:02' - 20/10/2022
BNEWS Chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hiện vẫn còn rất ít. VinFast đang phải áp dụng tiêu chuẩn riêng của chính doanh nghiệp dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.

Tại Hội thảo quốc tế về “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng tổ chức, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển Trạm sạc VinFast về những khó khăn thách thức trong việc xây dựng hạ tầng hệ thống trạm sạc điện.

 

Phóng viên: Hiện Việt Nam đã là quốc gia tiên phong trong khu vực sản xuất cả ô tô lẫn xe máy điện. Kế hoạch và mục tiêu của VinFast trong việc phát triển xe điện tại thị trường Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Thắng: Hiện VinFast đã giới thiệu tổng cộng 6 dòng ô tô điện và hơn 10 dòng xe máy điện trải dài các phân khúc, đáp ứng đủ mọi nhu cầu của khách hàng.

Các dòng xe điện của VinFast đều được đánh giá cao về thiết kế nhờ hợp tác với các đối tác thiết kế hàng đầu thế giới, được trang bị nhiều công nghệ thông minh hiện đại và an toàn vượt trội, chi phí sở hữu và sử dụng hấp dẫn, đồng thời được áp dụng chính sách thuê pin ưu việt, thu hút hàng chục nghìn khách hàng đặt mua. Hiện VinFast đang tập trung đẩy mạnh sản xuất để cung cấp xe ra thị trường.

Song song đó, VinFast đang đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc rộng khắp và an toàn để tạo sự an tâm, thuận tiện cho khách hàng, qua đó đẩy nhanh quá trình sử dụng phương tiện xanh. VinFast đã và đang triển khai xây dựng khoảng 3.000 trạm sạc với 150.000 cổng sạc trên 63 tỉnh thành trên cả nước, tại các địa điểm như: chung cư, bãi đỗ xe, bến xe, trạm dừng nghỉ trên cao tốc, xa lộ, trung tâm thương mại...

Ngoài ra, VinFast còn tổ chức đội ngũ sạc pin cứu hộ, tức là khi xe của khách hàng hết pin khi đi giữa đường thì có thể gọi xe cứu hộ pin đến sạc tại chỗ.

Phóng viên: Hiện nhà nước còn thiếu cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư đầu tư trạm sạc và chưa khuyến khích các nhà đầu tư trạm sạc thứ cấp tham gia nên các hãng xe còn dè đặt trong việc đưa xe điện vào Việt Nam. Theo ông, cần giải pháp gì để thu hút các nhà đầu tư trạm sạc?

Ông Vũ Thắng: Việc phát triển xe điện sẽ phụ thuộc và 3 yếu tố chính: Đó là khuôn khổ pháp lí, chính sách hỗ trợ của quốc gia và cơ sở hạ tầng đồng bộ để khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện.

Chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hiện vẫn còn rất ít. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất như thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ. Các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn chung và hạ tầng là các trạm sạc xe điện vẫn chưa có nhiều, VinFast đang phải áp dụng tiêu chuẩn riêng của chính doanh nghiệp dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.

Không giống như xe máy điện có thể sạc tại nhà, để ô tô điện có thể bán, lưu hành và sử dụng rộng rãi sẽ cần phải xây dựng hạ tầng đồng bộ tại nhiều địa phương. Muốn khuyến khích doanh nghiệp xây dựng trạm sạc cũng cần có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể hơn.

Phóng viên: Ông có thể cho biết những khó khăn, thách thức của VinFast trong xây dựng hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

Ông Vũ Thắng: Như tôi đã nói, việc thiếu hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn từ các cơ quan quản lý đang đặt ra cho chúng tôi những thách thức cần giải quyết trong quá trình xây dựng trạm sạc. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ mới có quy chuẩn/tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống/thiết bị bảo vệ trạm sạc. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế.

Cùng với đó là khó khăn về nguồn cung linh kiện khi giá thành cao ảnh hưởng tới việc sản xuất các trụ sạc, thời gian sản xuất lâu hơn. Giải pháp là VinFast đang liên kết với các nhà sản xuất trụ sạc nổi tiếng (cho xe Mercedes, Porsche) để giải quyết khó khăn này. Bên cạnh đó là khó khăn về lắp đặt trạm sạc tại 63 tỉnh thành nên nhiều dạng địa hình, khu vực khác nhau. Còn thiếu các văn bản pháp luật hướng dẫn, chỉ đạo cho việc lắp trạm sạc để VinFast có thể làm theo.

Cùng với đó là khó khăn về nguồn điện cho trạm sạc: Ở một số khu vực, trạm sạc đặt ở các khu vực xa nguồn điện hoặc nguồn điện còn dư không còn nhiều. Một số rào cản từ địa phương về việc xây dựng các tuyến đường điện như phải băng đường, băng sông, vướng mắc đền bù giải tỏa mặt bằng cho người dân để trồng cột điện…

Trước những khó khăn đó, VinFast đang nghiên cứu áp dụng các giải pháp về lưu trữ năng lượng để giảm sự phụ thuộc cũng như giảm áp lực lên lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Phóng viên: Một trong những thách thức trong xây dựng hạ tầng cho xe điện là thiếu quy chuẩn trạm sạc, gây tâm lý e ngại về sự an toàn của hệ thống trạm sạc điện. Giải pháp của VinFast đưa ra là gì?

Ông Vũ Thắng: Hiện nay, trạm sạc của VinFast đang sử dụng chuẩn quốc tế IEC và đầu sạc theo chuẩn CS2. Các tiêu chuẩn của IEC (và các TCVN được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành dựa trên tiêu chuẩn IEC) đều đảm bảo an toàn ở mức cao cho các trạm sạc điện.

Phóng viên: Nhu cầu sạc cho xe điện có thể trùng với những thời điểm được coi là cao điểm của hệ thống lưới điện như vào buổi tối, điều này có thể gây ra tình trạng quá tải cục bộ? Giải pháp cho vấn đề này là gì?

Ông Vũ Thắng: Hiện tại, lưu lượng xe điện còn ít và sẽ chưa ảnh hưởng tới mạng lưới điện. Trong thời gian tới khi lượng xe điện nhiều hơn, VinFast sẽ có giải pháp để khuyến khích khách hàng sạc vào giờ thấp điểm. VinFast cũng sẽ đầu tư các hệ thống để có thể dịch chuyển năng lượng, tránh giờ cao điểm./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Xem thêm:

>>Phát triển phương tiện sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh

>>Sắp diễn ra hội thảo phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục