Chính sách nào để phục hồi kinh tế trong năm 2022?

14:21' - 01/10/2021
BNEWS Chính sách để phục hồi kinh tế trong năm 2022 là mở cửa theo thích ứng an toàn và tiêm đủ vaccine, mở cửa bình thường mới sau Tết nguyên đán.

Ngày 1/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI) phối hợp với Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam Đồng bằng sông Cửu Long và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo "Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022" bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia và các điểm cầu ở 16 tỉnh, thành và 200 doanh nghiệp.

Hội thảo được thực hiện nhằm giúp doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nắm được những định hướng tình hình kinh tế để doanh nghiệp bước vào giai đoạn tái sản xuất sau khi các tỉnh, thành phía Nam đang từng bước khống chế được dịch bệnh và đang tiến tới mở cửa lại kinh tế, cho doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại.

Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định, 3 tháng cuối năm là thời gian vàng và cũng là thách thức "sinh tử" với nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, mở cửa là con đường không thể nào khác được. Nếu mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả là vô cùng lớn và Việt Nam có điều kiện thuận lợi để mở cửa nền kinh tế trong điều kiện đang kiểm soát khá tốt bệnh dịch.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, nhìn ra thế giới, dự kiến ngay trong năm 2021, nền kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5,6% - mức phục hồi lớn nhất trong vòng 80 năm qua. Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp, phải đứng ngoài tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn cũng là các đối tác chiến lược theo các hiệp định thương mại tự do đang phục hồi, đang nỗ lực nối lại các chuỗi cung ứng và các đối thủ cạnh tranh cũng đang tái khởi động và tranh thủ các đơn hàng.

Đặc biệt, 20 - 30% các đơn hàng của một số nhãn hàng lớn đã chuyển đi trong những tháng qua. Các FDI không chờ đợi, các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của những tập đoàn lớn đã dừng lại, không tiếp tục triển khai, nhà đầu tư do dự.

Ở bên trong thì doanh nghiệp và nền kinh tế  đang sức cùng, lực kiệt, người dân và doanh nghiệp mất đi sinh kế, chi phí cho y tế tăng lên, trong khi ngân sách nhà nước và các địa phương thì co hẹp. Giải cứu nền kinh tế, giải cứu doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp bách.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong công cuộc tái thiết phục hồi kinh tế thì phải xuất phát từ quan điểm, mỗi phường, xã là một “tế bào” trong một cơ thể sống - nền kinh tế quốc dân. Chia cắt theo địa giới “ngăn sông, cấm chợ” thì nền kinh tế và doanh nghiệp chết. Phải kết nối để người lao động trở lại công trường, để vật tư, nguyên liệu về nhà máy, hàng hoá đến thị trường, muốn vậy cả vùng, cả nước phải chung tay mở cửa.

Để nền kinh tế phục hồi trong quý IV/2021 và tăng trưởng trong năm 2022, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách cộng đồng và Quản lý Fulbright cho rằng, cần mở cửa kinh tế từ đầu tháng 10. Nếu kịch bản mở cửa và thích ứng an toàn từ đầu tháng 10 thì tăng trưởng quý IV/2021 khả năng sẽ tăng 3,5% và tăng trưởng cả năm 2021 sẽ là 2,1%.

Chính sách để phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021 chỉ dựa vào các gói hỗ trợ có triển khai thì cũng đã quá muộn để có tác dụng trong năm 2021. Kinh tế quý IV phục hồi thì chỉ còn nhờ vào lộ trình mở cửa từng bước.

Theo đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trở lại hoạt động khi công nhân quay trở lại làm việc đã tiêm được một liều vaccine, chưa tiêm thì xét nghiệm định kỳ đối với nhóm nguy cơ cao; không tiếp xúc trực tiếp giữa các tổ, dây chuyền sản xuất; ca dương tính xuất hiện ở khâu nào thì chỉ khoanh vùng xử lý ở khâu đó chứ không nên đóng cửa cả doanh nghiệp.

"Kiểm soát dịch và quản lý rủi ro bằng cách tuân thủ và giám sát thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải xin cấp phép. Đã mở cửa thích ứng an toàn bền vững thì nên xóa bỏ hết các giấy phép để doanh nghiệp trở lại hoạt động, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, logistic. Chứng nhận người điều khiển xe và lao động logistics tiêm đủ liều vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ là tiêu chí an toàn thay cho việc xin cấp phép QRCode luồng xanh", ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, chính sách để phục hồi kinh tế trong năm 2022 là mở cửa theo thích ứng an toàn và tiêm đủ vaccine, mở cửa bình thường mới sau Tết nguyên đán. Với tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng thấp và hệ thống y tế không quá tải sau khi tiêm đủ vaccine thì có thể mở cửa bền vững.

Để phục hồi mạnh trong năm 2022 thì chính sách tiền tệ tiếp tục ở trạng thái hỗ trợ kinh tế, đảm bảo thanh khoản dồi dào; chính sách tài khóa kích cầu tăng trưởng, chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao (6% GDP) tài trợ bằng trái phiếu chính phủ và một chương trình đầu tư công trung hạn (2022 - 2025).

Theo số liệu từ VCCI Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tháng 8/2021 chỉ đạt 1,97 tỷ USD, giảm 49,7% so với tháng 7/2021; trong đó: xuất khẩu đạt 1,04 tỷ USD (giảm 40,61%), nhập khẩu đạt 930 triệu USD (giảm 22%) so với tháng 7/2021.

Trải qua thời gian dài giãn cách, nhiều doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đuối sức và nghiêm trọng hơn là ngay cả các doanh nghiệp còn hoạt động thì phần lớn cũng đang kiệt quệ, nhiều doanh nghiệp chết lâm sàn.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động nhưng năng suất chỉ từ 30 - 40%, trong khi đó chi phí đội lên gấp nhiều lần từ việc duy trì các phương án sản xuất "3 tại chỗ", "4 tại chỗ". Bên cạnh chuỗi cung ứng đầu vào từ cánh đồng đến nhà máy bị đứt gãy, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, đầu ra thì bị đội lên do chi phí vận tải, logistics tăng cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Hoàng Phước, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, khó khăn doanh nghiệp bây giờ là làm lại từ đầu, không có thị trường, không có vốn, đầu vào và đầu ra đều giảm nên doanh nghiệp phải đóng cửa.

Hiện nay, các doanh nghiệp mong muốn có chính sách hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện có sức phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục