Kiến nghị ba giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế

15:13' - 30/09/2021
BNEWS Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, song vẫn có nhiều dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế trong năm 2022.

 

Để tìm hiểu về khả năng phục hồi của nền kinh tế cũng như một số giải pháp để khôi phục kinh tế, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phóng viên (PV): Bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực điều hành của Chính phủ trong việc kiềm chế tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Diễn biến dịch COVID-19 kéo dài – nhất là từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã có tác động hết sức nghiêm trọng đối với đời sống xã hội và kinh tế. Đến nay, dù diễn biến dịch còn phức tạp, nhưng việc phòng chống dịch đã có những chuyển biến cơ bản, đặc biệt là về công tác ngoại giao vắc-xin và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho người dân.

Chính phủ vẫn hướng tới “mục tiêu kép”, song cũng lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị hơn với những đề xuất mới, như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp duy trì sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vắc-xin....

Nhờ đó, Chính phủ và nhiều ngành, địa phương đã có điều kiện để cân nhắc tích cực hơn các kịch bản, lộ trình và biện pháp mở cửa trở lại nền kinh tế, hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội; tiếp tục thực hiện các biện pháp thuế, tín dụng, trợ cấp cho người lao động... để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trên tinh thần đơn giản hóa điều kiện và rút ngắn thời gian tiếp cận để các nhóm này giảm bớt khó khăn do dịch bệnh.

Những kết quả ấy một phần quan trọng là nhờ các nỗ lực điều hành và cải cách nhằm duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Về phía Chính phủ đã giữ được sự bao quát, quyết liệt và khoa học để có những đánh giá, chuẩn bị các kịch bản điều hành và thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội tương đối phù hợp, kịp thời, dù bối cảnh thay đổi nhanh và phức tạp. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chủ động tham vấn cộng đồng doanh nghiệp để có những quyết sách giữ đà cải cách thể chế kinh tế ngay cả trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Chính phủ đã tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cải cách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới....

Sự quyết liệt cải cách của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam đã nổi lên là một hình mẫu về cải cách thể chế kinh tế ở khu vực, được các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tín nhiệm, ủng hộ giữ vai trò Trưởng nhóm xây dựng Chương trình nghị sự mở rộng của APEC về cải cách cơ cấu giai đoạn 2021-2025.

PV: Theo bà, những yếu tố gì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong năm 2022 mà chúng ta cần quan tâm?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Tôi cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố sau:

Thứ nhất, khả năng kiểm soát dịch. Nếu chúng ta kiểm soát nhanh và hiệu quả dịch bệnh, đẩy mạnh tiêm vắc-xin gắn với lộ trình mở cửa nền kinh tế phù hợp, có sự hợp tác tích cực của doanh nghiệp, người dân, thì hệ lụy đối với nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm kinh tế, sẽ được giảm bớt.

Thứ hai, khả năng bảo đảm phục hồi sản xuất. Nếu đầu tư công được giải ngân tốt hơn và vốn tín dụng được điều tiết hiệu quả hơn vào các lĩnh vực sản xuất thì tác động lan tỏa trong việc phục hồi và thúc đẩy sản xuất sẽ tích cực hơn.

Bên cạnh đó, nếu gắn phục hồi sản xuất với thu hút và hợp tác hiệu quả với nhà đầu tư nước ngoài, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng sẽ giảm đáng kể. Đồng thời, phục hồi sản xuất cũng là điều kiện quan trọng để tận dụng các cơ hội từ đà phục hồi của kinh tế thế giới, đặc biệt khi Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do quan trọng như  EVFTA, CPTPP và chuẩn bị đón đầu cơ hội từ Hiệp định RCEP.

Thứ ba, khả năng bắt nhịp thực hiện một chương trình sâu rộng về phục hồi và phát triển kinh tế.

Trên cơ sở thông tin và nghiên cứu hiện có đến nay, chúng tôi cho rằng Chương trình này cần có khung thời gian ít nhất đến năm 2023, để không chỉ tháo gỡ khó khăn, tạo động lực trong ngắn hạn, mà còn phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho các cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ hơn trong 3-5 năm tới.

Nếu tư duy chính sách có thể lồng ghép hiệu quả việc tìm kiếm những mô hình, không gian kinh tế mới thay vì chỉ bó vào kích thích tài khóa- tiền tệ, kinh tế Việt Nam sẽ có thêm điều kiện để phục hồi, hướng tới phát triển bền vững, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh trong tương lai.

PV: Để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi vững chắc trong năm 2022, bà có khuyến nghị chính sách gì?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi vững chắc trong năm 2022, theo tôi cần tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, ưu tiên tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, cùng với đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc-xin.

Thứ hai, sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch bệnh. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố vào tháng 4/2021 đã kiến nghị ba giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế.

Cụ thể, giai đoạn 1 (đến quý I/2022): ưu tiên phòng chống dịch, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 2 (đến hết năm 2023): sau khi kiểm soát dịch COVID-19 sẽ tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. Tăng cường cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 3 (sau 2023): Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.

Thứ ba, cần vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực (cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc, diễn biến dịch COVID, kịch bản thương mại với Mỹ, hay rủi ro khủng hoảng nợ toàn cầu).

Thứ tư, cần đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu, trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, sản phẩm còn dư địa khai thác trong bối cảnh dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng các FTA quan trọng.  Đồng thời cần nghiên cứu, khuyến khích các mô hình kinh tế mới để tạo thêm không gian kinh tế cho các hoạt động sản xuất- kinh doanh nội địa.

Cuối cùng, chúng tôi cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành; thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện các gói hỗ trợ và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

PV: Xin cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục