Chính sách nào giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm?

13:49' - 14/07/2017
BNEWS Chính sách tài chính tiền tệ đang đi đúng hướng nhưng độ trễ còn lớn, làm cho chính sách chậm đi vào cuộc sống. Chính điều này, yêu cầu cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả điều hành.
Chính sách tài chính-tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Tác giả: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo “Chính sách tài chính - tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm” do Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng 14/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đánh giá, thực tế 6 tháng đầu năm cho thấy, những cải cách, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và việc điều hành của Chính phủ đã đạt những kết quả đáng khích lệ và quan trọng.

Tốc độ tăng trưởng GDP đang trong xu hướng tăng dần qua các quý, kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kiềm chế trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, cần chỉ ra một số hạn chế để khắc phục như nợ công tiệm cận sát giới hạn cho phép, doanh nghiệp nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả, một số dự án rơi vào cảnh khó khăn; doanh nghiệp dân doanh tăng trưởng chưa bền vững...

Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế của Học viện Chính sách và Phát triển, chính sách tài chính tiền tệ đang đi đúng hướng nhưng độ trễ còn lớn, làm cho chính sách chậm đi vào cuộc sống. Chính điều này, yêu cầu cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả điều hành, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu.

Chính sách kiểm soát tỷ giá từ nhiều năm nay của Ngân hàng Nhà nước phù hợp với thực tiễn nền kinh tế. Nếu Việt Nam không kiểm soát và để tỷ giá tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Thời gian tới, áp lực tăng tỷ giá lớn bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, chính sách điều chỉnh thuế biên giới của Mỹ, áp lực tăng lãi suất VND. Vì vậy, cơ quan quản lý cần tiếp tục kiểm soát tỷ giá trong biên độ phù hợp, từ 2-3% để ổn định tiền tệ.

Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, phạm vi tác động của chính sách tài chính tiền tệ, tăng trưởng tín dụng đóng vai trò quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng. Mức cung tiền quyết định ổn định và kiểm soát lạm phát.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu phân tích, đánh giá tình hình và gợi ý các chính sách vĩ mô; nhất là chính sách tiền tệ - tài chính nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới.

Theo đó, bên cạnh giải pháp dài hạn (như tái cơ cấu nền kinh tế, cải các doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân...), báo cáo của Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, trước mắt cơ quan quản lý cần tập trung cho các giải pháp chính sách tài chính tiền tệ.

Dự báo về thị trường tài chính tiền tệ 6 tháng cuối năm 2017, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính tiền tệ cho rằng, rủi ro tài chính tiền tệ ở mức cao do tác động của thế giới. Như việc Fed có thể tăng lãi suất thêm 1 lần nữa vào năm 2017 và 2 lần năm 2018.

Với tình hình trong nước, việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ở mức cao trong ngắn hạn và thiếu các động lực tăng trưởng bền vững sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính ngân hàng trong dài hạn. Tiến trình xứ lý nợ xấu còn nhiều thách thức.

Trước tình hình trên, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần triển khai các giải pháp hỗ trợ như mở rộng tăng trưởng cung tiền và tín dụng ở mức hợp lý (16-18%) trong năm 2017. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các tài chính tín dụng và triển khai Nghị quyết xử lý nợ xấu.

Ông Nguyễn Thạc Hoát, đại diện khoa Tài chính-Tiền tệ của Học viện Chính sách và Phát triển nhấn mạnh, kinh tế nửa đầu năm tăng trưởng theo xu thế rõ rệt, đáng ghi nhận và ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn một số thách thức, cần cảnh giác. Cần có sự bứt phá mạnh trong những tháng tới để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cũng như làm tiền đề cho các năm sau.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra quan điểm riêng là xét về ngắn hạn thì lạm phát ở mức độ vừa phải có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và lạm phát mục tiêu nên ở mức 3-4%/năm trong thời gian tới cũng như đối với các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tập trung theo dõi, quản lý tốt trong điều hành tỷ giá hợp lý đồng thời với việc duy trì lãi suất thấp.

Một số chuyên gia cho rằng, cần chủ động theo dõi, giám sát chất lượng tín dụng, tránh tâm lý nôn nóng “bơm” tín dụng một cách dễ dãi ra thị trường cũng như nên điều chỉnh để tín dụng cả năm đạt mức tăng 16-18%. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý trong thu ngân sách, bảo đảm nguồn thu và hướng dòng vốn vào các mục tiêu thiết thực; từ đó nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục