Chính sách ngoại giao của Thủ tướng Abe có xoa dịu được Tổng thống Trump?

06:00' - 05/06/2019
BNEWS Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có những nỗ lực phi thường nhằm gây dựng mối quan hệ với Tổng thống Donald Trump và tìm cách thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết trên Eastasiaforum, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang hết sức nỗ lực nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Abe vào ngày 26-27/4, Tổng thống Trump đang có chuyến thăm chính thức Nhật Bản kéo dài trong 4 ngày.

Với chuyến thăm này, Tổng thống Trump trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp với Nhật hoàng Naruhito kể từ ông đăng quang ngày 1/5. Ông Trump cũng đã trao tặng một chiếc cúp “Trump cup” cho người chiến thắng Giải đấu Grand Sumo mùa Hè của Tokyo. Những điều này cho thấy sự bền vững của mối quan hệ Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, dưới vẻ ngoài đó là một thực tế phức tạp và hỗn loạn.

Khi những quyết định bất ngờ, không giống ai và khó đoán định của Tổng thống Trump phá vỡ trật tự toàn cầu mà Mỹ đã xây dựng và lãnh đạo kể từ năm 1945, các nhà lãnh đạo thế giới đã cố gắng để giảm nhẹ những thiệt hại. Có nhiều đồng minh truyền thống hay các đối tác của Mỹ cũng đã có lúc công khai đối đầu với Tổng thống Trump, đặc biệt tại các diễn đàn đa phương như G7 và G20.

Thế nhưng, Thủ tướng Shinzo Abe lại tìm cách xoa dịu Tổng thống Trump thông qua 6 chuyến thăm Mỹ của ông Abe kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Bên cạnh đó, ông Abe đã có 30 cuộc điện đàm với ông Trump, nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào khác. 

Cả hai đã cùng nhau chơi golf bên lề các hội nghị thượng đỉnh. Ông Abe cũng đổi món sushi mà ông thết đãi Tổng thống Barack Obama thành những chiếc bánh hamburger mà ông Trump ưa thích.

Quả thực, ông Abe đã có những nỗ lực phi thường nhằm gây dựng mối quan hệ cá nhân thân thiết với ông Trump và tìm cách thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ, hoặc ít nhất là làm giảm bớt những thiệt hại nhiều nhất có thể trong ba lĩnh vực chính, bao gồm an ninh, thương mại và vấn đề Triều Tiên.

Về mặt an ninh, đã có những lo ngại rằng quân đội Mỹ dưới thời chính quyền Trump sẽ không tiếp tục bảo vệ các lãnh thổ do Nhật Bản quản lý theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật Bản-Mỹ, bao gồm Quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Quần đảo Điếu Ngư). 

Ông Trump kêu gọi Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho sự hiện diện của quân đội Mỹ và các cơ sở quân quân sự của Washington. Ông Trump còn đề xuất Nhật Bản có thể tự bảo vệ mình mà có lẽ không cần sự trợ giúp của Mỹ thông qua việc phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Trong một bài viết khác trên Eastasiaforum, nhà phân tích Fumiaki Kubo giải thích rằng khi đề cập đến sự bất nhất của Tổng thống Trump, có thể các mối quan hệ cá nhân là vô cùng quan trọng đối với một vị tổng thống mà không có nguyên tắc chắc chắn đối với các vấn đề đối ngoại. Vì lý do này, dường như cách tiếp cận thân mật trong ngoại giao của ông Abe đã đi đúng hướng.

Trong cuộc họp thượng đỉnh chính thức đầu tiên với ông Trump, ông Abe đã thành công trong việc khiến ông Trump đảo ngược quan điểm không vững chắc của ông đối với Quần đảo Senkaku. 

Kể từ cuộc gặp đó, lĩnh vực an ninh trong mối quan hệ Nhật Bản-Mỹ nhìn chung ổn định. Thỏa thuận cốt lõi của liên minh - theo đó Mỹ đảm bảo an ninh lãnh thổ do Nhật Bản quản lý để đổi lấy việc Mỹ sẽ có các sơ sở căn cứ quân sự đường bộ, trên biển và trên không tại Nhật Bản - tiếp tục mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và cho khu vực.

Về thương mại, ông Trump đã lên tiếng về thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản và yêu cầu Nhật Bản xóa bỏ thuế quan đối với hàng nông nghiệp và ô tô của Mỹ, gây sức ép để Tokyo đàm phán về một hiệp định thương mại song phương. 

Cách tiếp cận của ông Trump đối với ô tô khiến ông Abe rối bời bởi Nhật Bản không áp thuế đối với ô tô Mỹ, nhưng Mỹ lại áp thuế 2,5% đối với Nhật Bản. Đối với Tokyo, điều đáng lo ngại hơn nữa là Washington đang tìm cách tăng thuế đối với ô tô lên 25%. Việc áp thuế 25% đối với thép và nhôm cho thấy đây không phải là mối đe dọa xa vời.

Tuy nhiên, với cách thức khôn khéo và tìm cách ngăn chặn trước các mức thuế quan mà Mỹ sẽ áp đặt, chính quyền của ông Abe cho tới nay đã phần nào đạt được thành công trong việc làm chệch hướng sức ép của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại hiện tại. 

Đặc biệt, Nhật Bản đã áp dụng ba cơ chế để làm chệch hướng áp lực này, đó là Tokyo kiên định rằng các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại song phương bị giới hạn trong khuôn khổ “một hiệp định thương mại hàng hóa” nhằm loại trừ các vấn đề tiền tệ.

Nhật Bản đã có kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế EU - Nhật Bản (JEEPA). Và ông Abe đã tìm cách sử dụng CPTPP và JEEPA làm ví dụ về lợi ích của các hiệp định “cả hai cùng thắng”, ngược lại với mô hình “một mất một còn” của ông Trump.

Tuy nhiên, vẫn còn phải xem chính sách ngoại giao này của Nhật Bản với Mỹ có hiệu quả được bao lâu. Đối với Triều Tiên, ông Abe đã tìm cách có được sự hợp tác của ông Trump trong hai vấn đề. 

Đầu tiên, ông Abe đề nghị ông Trump nêu vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản tại hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và điều này được cho là đã thành công bởi ông Trump đã nêu vấn đề này với ông Kim.

Thứ hai, ông Abe tìm cách ngăn chặn ông Trump tiến tới một thỏa thuận tồi với Triều Tiên, theo đó sẽ không có phi hạt nhân hóa hoàn toàn hoặc chỉ ngăn chặn tên lửa tầm xa có thể bắn tới Mỹ mà không ngăn chặn tên lửa tầm ngắn và tầm trung mà có thể bắn tới Nhật Bản. 

Hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Singapore và Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào khiến Nhật Bản thở phào nhẹ nhõm khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Tiều Tiên hướng tới một giải pháp toàn diện thay vì giới hạn được thiết lập.

Nhìn chung, cho tới thời điểm này, ông Abe đã đạt được thành công trong việc làm dịu và giảm bớt tác hại của sự hỗn loạn mà chính quyền của ông Trump gây ra. Nhưng thách thức lớn nhất đối với tình cảm thân thiết giữa ông Abe và ông Trump sẽ xuất hiện vào tháng tới khi Nhật Bản tổ chức hội nghị G20. 

Cần lưu rằng tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2018, các nhà lãnh đạo đã không thể đưa ra một tuyên bố chung bởi ông Trump không đồng ý với dự thảo đề xuất về việc duy trì trật tự thương mại tự do quốc tế.

Với cải cách của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) nằm trong chương trình nghị sự và cái bóng của cuộc chiến thương mại ngày càng tồi tệ giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Abe sẽ cần làm nhiều hơn nhằm có được kết quả để bảo vệ và củng cố các quy tắc thương mại dựa trên luật pháp quốc tế./.

             

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục