Chính sách "nước Mỹ là trên hết" sẽ khiến các đồng minh tìm kiếm các thị trường mới

13:26' - 22/08/2017
BNEWS Theo chuyên gia Josef Braml của Hội đồng Quan hệ Quốc tế Đức, chính sách "Nước Mỹ là trên hết" sẽ thúc đẩy Đức và thậm chí là châu Âu mở rộng quan hệ thương mại với các khu vực thịnh vượng ở châu Á.

Theo chuyên gia Josef Braml của Hội đồng Quan hệ Quốc tế Đức, mối nguy hiểm đến từ chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của Tổng thống Donald Trump sẽ thúc đẩy Đức và thậm chí là châu Âu mở rộng quan hệ thương mại với các khu vực thịnh vượng ở châu Á.
Chuyên gia Braml cho rằng chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của ông Trump không mấy hấp dẫn để các nước đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu tăng cường quan hệ thương mại với nước này và các doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ cần các thị trường thay thế nếu nhiều rào cản được dựng lên, cản trở nỗ lực tiếp cận thị trường Mỹ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cuối tuần qua đã chính thức khởi động điều tra các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc theo luật thương mại năm 1974 hiếm khi được sử dụng, gây lo ngại Mỹ có thể áp đặt những hạn chế sẽ gây tổn hại cho cả hai nước.
Trung Quốc và những nước như Đức có năng lực cạnh tranh xuất khẩu và thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Năm 2016, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức, nhập 107 tỷ euro (125 tỷ USD) hàng hóa từ Đức, trong khi xuất sang nước này chỉ 58 tỷ euro (68 tỷ USD) và ông Trump thấy việc Đức đạt thăng dư thương mại lớn là một vấn đề.
Theo ông Braml, các công ty trên toàn cầu đã cho thấy sự quan tâm đến sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Chẳng hạn, Deutsche Bank và China Development Bank dự định hợp tác đầu tư 3 tỷ USD trong 5 năm tới để hỗ trợ các dự án dọc theo Con đường tơ lụa mới.

Sáng kiến này do Trung Quốc khởi xướng năm 2013 nhằm xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng và thương mại kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi do theo tuyến thương mại Con đường tơ lụa thời cổ đại vì sự thịnh vượng và phát triển chung.
Chuyên gia Braml cũng nói rằng các nước láng giềng của Trung Quốc có thể xích lại gần hơn nữa với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tìm kiếm các thỏa thuận về kinh tế và tiền tệ với nước này nếu ông Trump dựng lên nhiều rào cản thương mại.
Ông Braml cho rằng một thỏa thuận như vậy là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sáu nước mà ASEAN đã có hiệp định thương mại tự do.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục