Chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội được tính toán kỹ lưỡng

18:00' - 18/09/2022
BNEWS Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh kiến nghị cần cải thiện tính ổn định về tài chính, tính thanh khoản giúp doanh nghiệp tránh mất thanh khoản do bị suy giảm lợi nhuận tạm thời...

Với vị thế quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc, có nhiều lợi thế trong đẩy mạnh liên kết vùng, Quảng Ninh ngày càng mạnh, sức cạnh tranh đã cải thiện đáng kể, đà tăng trưởng liên tục trong nhiều năm liền đã tạo tiền đề, nền tảng cơ bản để tỉnh tiếp tục đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát huy hiệu quả; môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm cải thiện; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên, thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra động lực phát triển mới, là bàn đạp để vùng đất Mỏ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh những thành tựu và kết quả đã đạt được vẫn còn những mâu thuẫn, thách thức tiếp tục đặt ra cho Quảng Ninh cần được nhận thức đầy đủ và tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Mâu thuẫn giữa tiềm năng lớn chưa được giải phóng toàn diện với một số thể chế, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; giữa yêu cầu phát triển với các nguồn lực có hạn cả về con người và vật chất; giữa phát triển công nghiệp, đặc biệt là khai thác than, đô thị hóa nhanh với phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn; giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và tác động của đại dịch COVID-19 chưa lường hết được.
Một số thách thức giữa phát triển nhanh, bền vững với gia tăng khoảng cách giàu nghèo và biến đổi khí hậu; vừa phải phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vừa phải chủ động góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ một cách thường xuyên, trực tiếp ở một địa bàn tiền tiêu của Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường và sự thách thức của những hình thái phức tạp an ninh phi truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhận định, các chính sách về tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội của Trung ương đã được tính toán kỹ lưỡng, đồng bộ. Kết quả điều hành thu ngân sách của Quảng Ninh là minh chứng sinh động khẳng định hiệu quả của Nghị quyết 43/NQ-QH của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Đặc biệt trong quý III với việc đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái lưu thông giúp cho hoạt động vận tải, du lịch, dịch vụ phát triển. Ngành du lịch nhanh chóng khởi sắc trở lại sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, góp phần quan trọng đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Tổng khách du lịch ước đạt 9,17 triệu lượt, gấp trên 3,5 lần so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.975 triệu USD, tăng 8,34% cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 9 tháng đạt 40.930 tỷ đồng, bằng 78% dự toán, bằng 122% cùng kỳ, đạt 102% kịch bản; tỷ lệ giải ngân đạt 62% kế hoạch Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định, việc triển khai chính sách còn vướng mắc: Doanh nghiệp còn gặp khó khăn, tỷ lệ lao động chính thức lớn, mất cân đối. Chất lượng lao động chưa đạt yêu cầu. Chính sách được ban hành sớm, nhưng việc cụ thể hóa, hướng dẫn triển khai thực hiện còn chưa được như kỳ vọng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất cần tiếp tục tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh; tháo gỡ khó khăn về quy trình thủ tục được thụ hưởng chính sách của doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; quan tâm chính sách đào tạo nghề, nâng cao chất lượng tay nghề để người lao động ổn định, yên tâm; chính sách hỗ trợ nhà ở cho người lao động; tăng cường gói hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, người lao động có thu nhập thấp; khai thác tối đa lợi thế của thương mại điện tử, từ kinh nghiệm giao dịch điện tử các quốc gia, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh.
Để chương trình phục hồi kinh tế, xã hội đạt được kết quả, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: cần cải thiện tính ổn định về tài chính, tính thanh khoản giúp các doanh nghiệp tránh khả năng mất thanh khoản do bị suy giảm lợi nhuận tạm thời trước cú sốc bất khả kháng; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động, thích ứng thông qua việc cải thiện tính linh hoạt trong điều hành hoạt động giúp doanh nghiệp tăng năng suất; ưu tiên đầu tư nguồn vốn, hấp thụ nguồn vốn, giữ ổn định vĩ mô, giữ ổn định của hệ thống.../.

>>>Chính sách tài khóa: "Liều thuốc" cho nền kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục