Chính sách thuế cần có tính ổn định lâu dài

14:03' - 09/11/2015
BNEWS Chính sách thuế cần phải có tính ổn định lâu dài. Việc thay đổi thường xuyên, liên tục, quy định về quản lý, phương pháp tính thuế sẽ gây bất lợi lớn cho việc hoạch định kế hoạch trung hạn, dài hạn.

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét sửa đổi bổ sung chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và quản lý thuế.

Quốc hội họp Thảo luận ở tổ về các dự án liên quan đến thuế ngày 29/10.

Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Việc sửa đổi thuế dù với bất kỳ lý do nào cũng đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp và người dân bởi những tác động mang tính sống còn của nó đối với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi loại hình doanh nghiệp. 

Các quy định về thuế TTĐB trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng và là công cụ có tính quyết định trong việc điều tiết nền kinh tế. Thực tế cho thấy, Luật thuế TTĐB đã góp phần quan trọng vào việc cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt là góp phần tăng thu Ngân sách nhà nước.

Đơn cử như đối với mặt hàng như thuốc lá, rượu bia, bằng việc tăng thuế suất đối với các mặt hàng này, thuế TTĐB đã tăng thu Ngân sách Nhà nước cũng như để hạn chế việc lạm dụng các sản phẩm trên.  Theo số liệu của Tổng cục thuế năm 2014 ngành bia rượu nộp Ngân sách 25,781 tỉ đồng.

Riêng thuế tiêu thụ đặc biệt là 19,900 tỉ đồng, tăng xấp xỉ hai lần so với năm 2010. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt mới sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2013 đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 5% (45% lên 50%) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB 70/2014/QH13 sẽ tiếp tục tăng thêm 15% trong 3 năm tới (2016-2018, mỗi năm tăng 5%), sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

Trong khi các quy định mới về thuế tiêu thụ đặc biệt tại Luật số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được thực thi, thì một lần nữa, đạo luật này lại tiếp tục được sửa đổi gây tâm lý lo lắng chung cho các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI rất cần một môi trường đầu tư cũng như chính sách quản lý nhà nước ổn định để hoạch định kế hoạch chiến lược kinh doanh. Sự bất ổn về mặt chính sách này tạo khó khăn vô cùng lớn cho doanh nghiệp trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất  kinh doanh vì không thể dự đoán được sự thay đổi của chính sách, pháp luật.  

Một thị trường lành mạnh luôn phải đạt được tiêu chuẩn là thị trường trong đó sản phẩm chính quy nhiều hơn sản phẩm không chính quy.

Tuy nhiên, khi thuế TTĐB tăng sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của sản  phẩm chính quy, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến các sản phẩm không chính quy (hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ, hàng hóa) với giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế, từ đó, có thể gây thất thu cho Chính phủ và tiềm ẩn các nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Chính sách thuế cần phải có tính ổn định lâu dài. Ảnh: TTXVN.

Ngay từ phiên thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế tại Phiên họp thứ 42, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn về vấn đề này.

Theo các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ năm 2012, 2013, 2014 năm nào Quốc hội cũng ra nghị quyết để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp như giảm, giãn, miễn thuế nhưng lần này Chính phủ tiếp tục đề xuất ban hành một luật sửa 2 luật nội dung và một luật hình thức, liên quan trực tiếp đến hàng loạt những ngành nghề có tỷ lệ đóng ngân sách cao.

Mặc dù tại phiên thảo luận này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản tán thành sự cần thiết trình Quốc hội ban hành đạo luật sửa đổi tổng thể 3 luật thuế hiện hành, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu hai hồ sơ dự án luật phải đảm bảo đầy đủ, đúng quy định của pháp luật và đồng thời đặc biệt chú ý đến yêu cầu đảm bảo tính ổn định, lâu dài của chính sách thuế.

Trên thực tế, với tính chất đặc thù của nó, chính sách thuế cần phải có tính ổn định lâu dài. Việc thay đổi thường xuyên, liên tục, quy định về quản lý, phương pháp tính thuế sẽ gây bất lợi lớn cho việc hoạch định kế hoạch trung hạn, dài hạn, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và từ đó, cũng gây tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách Nhà nước.  

Một vấn đề khác cũng cần chú ý là, về cơ bản, những điểm sửa đổi, bổ sung mới về thuế tiêu thụ đặc biệt theo dự thảo mới là rất rõ ràng, song việc xây dựng và hoàn thiện nghị định và thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành vẫn là một tất yếu khách quan của quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam nhằm đảm bảo quá trình thực hiện được nhất quán và thuận lợi.

Nhiều chuyên gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp đề nghị, khi hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải quán triệt triệt để định hướng của dự thảo luật, giải quyết những vướng mắc đã phát sinh trong thực tiễn, đảm bảo tính khả thi trên cơ sở phù hợp với thực tiễn kinh tế – xã hội Việt Nam./.

Anh Sơn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục