Doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng về nhiều thủ tục thuế, hải quan

17:04' - 29/10/2015
BNEWS Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự chưa hài lòng về những vướng mắc, phiền hà của các loại thủ tục, hồ sơ… ngành thuế, hải quan vẫn đang gây khó cho doanh nghiệp.

Để có thể tiến xa và sâu hơn trong giai đoạn hội nhập hiện nay, ngành thuế và hải quan cần những đột phá mới, cần những cuộc cách mạng mới để thực sự đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Đó là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2015.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chut tịch VCCI phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Ông Vũ Tiến Lộc, nhận định, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận và đánh giá cao những chuyển biến nhất định của ngành tài chính trong việc cải cách thủ tục hành chính về thuế và hải quan như việc điều chỉnh thuế suất, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu… góp phần tăng thu ngân sách, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự chưa hài lòng về những vướng mắc, phiền hà về các loại thủ tục, hồ sơ… đang gây khó cho doanh nghiệp. Hội nghị đối thoại chính là cơ hội tốt để cả hai phía là ngành tài chính cùng các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi, hỏi đáp cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Nghị quyết 19/NĐ-CP của Chính phủ với những mục tiêu như giảm thời gian thông quan và thời gian thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho doanh nghiệp, qua thực tiễn triển khai đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Dù vậy, công tác hải quan và thuế vẫn cần làm nhiều việc hơn nữa, lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp hơn nữa để điều chỉnh và sửa đổi những bất cập, vướng mắc liên quan tới ngành mình. Như vậy, mới đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Đoàn Chủ tọa chủ trì Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Theo số liệu của Bộ Tài chính, hệ thống khai thuế điện tử hiện đã được triển khai đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với sự tham gia của trên 506.000 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 98,95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện khai thuế qua mạng.

Hết tháng 10/2015, tổng số doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử qua cổng của Tổng cục Thuế xấp xỉ đạt 458.000 doanh nghiệp. Một số Cục Thuế đã đạt kế hoạch 90% số doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ như: Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nghệ An, Bắc Ninh …

Đại diện Công ty TNHH An Đô, một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng dệt may, thuốc bảo vệ thực vật… cho rằng, các thủ tục kiểm tra liên ngành hiện đang là rào cản lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp.

Trong 9 tháng qua, doanh nghiệp đã phải nộp 620 triệu đồng để chi phí riêng cho các hoạt động này, nhất là để kiểm định chất lượng hàng hóa tại Viện Dệt may. Điều đó cần phải được thay đổi, điều chỉnh để tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp, cũng là tránh tình trạng vì không muốn bị phiền hà, tăng chi phí, tốn thời gian, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã và đang tìm cách trốn lậu thuế…

Thạch Huê

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục