Chính sách thuế quan có phải là nguyên nhân gây ra lạm phát tại Mỹ?

05:30' - 29/01/2022
BNEWS Một số nhà hoạch định chính sách đang đổ lỗi cho các khoản thuế quan do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump ban hành là động lực chính dẫn đến giá cả tăng trong giai đoạn hiện nay.
Theo bài viết của tác giả Robert Scott đăng trên tờ The Hill (Mỹ), lạm phát đã tăng mạnh trong 9 tháng qua và hiện đang khiến chính quyền Mỹ đau đầu. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng một số nhà hoạch định chính sách đang đổ lỗi cho các khoản thuế quan do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump ban hành là động lực chính dẫn đến giá cả tăng trong giai đoạn hiện nay và đề xuất đảo ngược các khoản thuế quan áp đặt vào năm 2018.

Tuy nhiên, đây là một phản ứng được cho là thái quá và khiến vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Điều quan trọng hơn là phải đưa sản xuất trở lại Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên mong manh trong giai đoạn hiện nay.

Nhìn lại giai đoạn trước khi ông Trump nắm quyền, Mỹ đã mất gần 70.000 nhà máy và hơn 5 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất chỉ trong hai thập kỷ. Nguyên nhân một phần là do sự bóp méo ở quy mô lớn đối với hệ thống thương mại toàn cầu do Trung Quốc và các nước khác gây ra. Điều này bao gồm các khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ, thao túng tiền tệ và dòng vốn tư nhân quá mức đã khiến đồng USD bị đánh giá cao hơn bình thường từ 25 đến 30%.

Kết quả là sự giảm sút của tầng lớp trung lưu Mỹ. Hàng nhập khẩu giá rẻ thay thế sản xuất trong nước dẫn đến thâm hụt thương mại và tình trạng mất việc làm ngày càng tăng. Người Mỹ hiện đang phải chứng kiến những hậu quả thực tế, với các chuỗi cung ứng mở rộng quá mức, không được chuẩn bị để đáp ứng những thách thức toàn cầu do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra.

Thật không may, một số người đang cố gắng tận dụng những lo ngại về lạm phát để đảo ngược lại các khoản thuế quan được áp dụng từ thời cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, lý do họ đưa ra để giải thích cho chính sách này là không phù hợp. Các mức thuế quan được đưa ra trong 5 năm qua không đủ lớn để gây ra lạm phát trong giai đoạn hiện nay. Việc tăng thuế quan có hiệu lực vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, tức là rất lâu trước khi lạm phát bắt đầu tăng tốc vào tháng 3/2021.

Tình hình lạm phát hiện tại đang được thúc đẩy bởi một số yếu tố khác ngoài thuế quan. Số liệu thống kê liên bang cho thấy tổng thu thuế nhập khẩu và hải quan của Mỹ đã tăng 49,1 tỷ USD, từ 36,6 tỷ USD năm 2016 lên 85,7 tỷ USD năm 2021. Con số này chỉ bằng 0,3% của tổng số 16.000 tỷ USD tiêu dùng cá nhân tại Mỹ, quá nhỏ để tạo ra ảnh hưởng đáng kể đối với tình hình lạm phát hiện nay.

Về lý thuyết, việc xóa bỏ thuế quan có thể loại bỏ khoảng 0,3% lạm phát trong quý III/2021. Tuy nhiên, điều đó sẽ chỉ mang lại sự giảm giá tạm thời và diễn ra một lần.

Trên thực tế, các mức thuế quan chỉ có ảnh hưởng tạm thời đến giá thép nói chung. Chẳng hạn, sau khi thuế thép được áp đặt vào tháng 3/2018, giá thép đã tăng 10,2%, lên mức 17,7% trong giai đoạn từ tháng 2-9/2018. Mức tăng đó thấp hơn so với mức thuế quan là 25%.

Và thị trường nhanh chóng điều chỉnh, với giá thép trong nước hạ xuống dưới mức trước khi áp thuế trong vòng một năm sau đó. Đáng chú ý, sau khi dịch COVID bùng phát, tình trạng thiếu hàng hóa đã xảy ra vào cuối năm 2020 và giá thép đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.

Thực sự, đại dịch là yếu tố quan trọng gây gián đoạn thương mại toàn cầu, dẫn đến tăng giá hàng hóa. Trên thực tế, mức tăng giá đối với mặt hàng thép do COVID-19, trong giai đoạn từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2021, lớn hơn 8 đến 11 lần so với mức tăng giá sau khi áp dụng thuế quan đối với mặt hàng thép vào năm 2018.

Mặt tích cực là các mức thuế quan đã giúp giảm sức ép đối với các ngành công nghiệp chủ chốt. Thuế nhôm áp đặt vào năm 2018 đã mang lại ít nhất 55 dự án mới trong ngành công nghiệp nhôm, và tuyển dụng thêm 4.500 công nhân đồng thời tạo ra các khoản đầu tư mới trị giá 6 tỷ USD. Kết quả tương tự cũng xuất hiện trong ngành công nghiệp thép của Mỹ sau khi tăng thuế.

Về cơ bản, các mức thuế quan đã giúp nhiều ngành công nghiệp tại Mỹ xây dựng lại và phục hồi từ thương mại không công bằng. Việc loại bỏ các loại thuế này sẽ đe dọa những lợi ích đã đạt được, và có thể dẫn đến mất việc làm, đóng cửa nhà máy và hủy bỏ các khoản đầu tư theo kế hoạch. Điều đó có thể làm mất ổn định nền sản xuất trong nước và làm tăng sự phụ thuộc của Mỹ vào các chuỗi cung ứng nhập khẩu không ổn định.

Người Mỹ đang chứng kiến sự thiếu hụt hàng hóa và giá cả tăng cao. Điều này cho thấy những rủi ro trong việc mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đáng tiếc là nhiều mức thuế của chính quyền cựu Tổng thống Trump thiếu mục đích chiến lược và mục tiêu cuối cùng và chính quyền của ông Trump không có nỗ lực chính sách cơ bản nào được thực hiện để khôi phục khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất. Tuy nhiên, việc áp thuế quan đã giúp giảm sức ép ở mức cần thiết và đang mang lại cho Washington thời gian để xem xét các chiến lược quan trọng hơn.

Do đó, chính quyền Mỹ hiện nay không nên "bỏ rơi" các nỗ lực của Chính quyền cựu Tổng thống Trump nhằm phục hồi sản xuất của Mỹ bằng cách loại bỏ thuế quan trước khi các chiến lược mới được xây dựng và triển khai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục