Chính sách thuế thay đổi liên tục, doanh nghiệp khó cập nhật

17:35' - 29/11/2017
BNEWS Các văn bản chính sách pháp luật mới ban hành cần có thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết, kịp thời để giúp doanh nghiệp nắm bắt cũng như đễ dàng thực hiện đúng và đủ quyền và nghĩa vụ của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan giới thiệu về chính sách hải quan mới tới các doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Những bất cập trong việc thực thi chính sách thuế và hải quan là nội dung chính được nhiều doanh nghiệp phản ánh tại “Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp về chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2017” do Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 29/11.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, kết quả khảo sát ý kiến doanh nghiệp của VCCI cho thấy, mặc dù các doanh nghiệp đánh giá cao những cải cách trong chính sách, pháp luật về thuế trong thời gian gần đây nhưng chính sự thay đổi liên tục này cũng gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cập nhật thông tin để tuân thủ.

Nhiều doanh nghiệp không kịp nắm bắt những thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung.

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về thuế của Bộ Tài chính còn chậm so với thời hạn thi hành quy định của các văn bản Luật, Nghị định khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh nhiều nghiệp vụ kinh tế phát sinh như điều chỉnh hóa đơn, chứng từ, làm gia tăng chi phí, thời gian…

Ngoài ra, theo ông Võ Tân Thành, các doanh nghiệp chuyên về thủ thuật ban đầu trong việc chăm sóc sức khỏe như xoa bóp, bấm huyệt cho rằng họ đang bị áp mức thuế quá cao.

Cụ thể, một doanh nghiệp phải gánh nhiều loại thuế gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 30% (ngang bằng với các dịch vụ hàng hóa như karaoke, rượu bia, thuốc lá…), 10% thuế giá trị gia tăng, 25% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, nếu khai đúng các khoản thu và nộp thuế như trên thì doanh nghiệp chỉ có thể phá sản.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng gặp vướng mắc đối với một số quy định về thuế. Điển hình như điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp còn hạn chế, gây khó khăn trong việc luân chuyển dòng tiền để tái đầu tư, sản xuất.

Ngoài ra, việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân còn phức tạp, hoàn thuế thu nhập cá nhân còn chậm.

Về việc áp dụng hóa đơn điện tử, ông Nguyễn Hữu Hậu, đại diện Công ty TNHH Thú y Tân Tiến phản ánh, mặc dù cơ quan thuế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử để tiết kiệm chi phí và thuận tiện trong việc quản lý nhưng khi doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử rồi vẫn phải sử dụng hóa đơn giấy.

Cụ thể và thường xuyên nhất là khi doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường, các cơ quan quản lý như cảnh sát giao thông, quản lý thị trường… vẫn yêu cầu xuất trình hóa đơn giấy gây khó khăn cho doanh nghiệp và vô hiệu hóa ý nghĩa của việc ứng dụng hóa đơn điện tử.

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thừa nhận việc ứng dụng hóa đơn điện tử vẫn còn môt số bất cập như các doanh nghiệp phản ánh do chưa có sự thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý khác nhau.

Hiện nay, Tổng cục thuế đang đề xuất với Chính phủ bãi bỏ yêu cầu xuất hóa đơn giấy đối với hàng hóa vận chuyển trên đường của các doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn điện tử.

Theo đó, khi doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan thuế có trách nhiệm cập nhật hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp lên cổng thông tin điện tử và các cơ quan chức năng khác khi cần xác định thông chỉ cần tra cứu dữ liệu trên cổng thông tin này.

Về việc thực thi chính sách thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, gia công kim loại, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam nêu vấn đề: Theo nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ (Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế) thì những sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm được miễn thuế giá trị gia tăng.

Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp và cả cơ quan hải quan không biết làm thế nào để xác định tỷ lệ giá trị khoáng sản và năng lượng trong tổng giá thành sản phẩm.

Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận chịu thiệt và đóng thuế.

Bà Nguyễn Thị Cúc kiến nghị, các văn bản chính sách pháp luật mới ban hành cần có thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết, kịp thời để giúp doanh nghiệp nắm bắt cũng như đễ dàng thực hiện đúng và đủ quyền và nghĩa vụ của mình.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế cũng cần xem xét việc tổ chức, cơ cấu lại việc quản lý doanh nghiệp của cán bộ công chức.

Vì theo phản ánh của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp lớn cảm nhận tốt hơn về sự thay đổi chính sách và cải cách thủ tục thuế nhưng ngược lại rất nhiều doanh nghiệp nhỏ cho biết vẫn có tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Liên quan tới việc áp dụng mức thuế ưu đãi đối với dự án đầu tư, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần có cách hiểu thống nhất giữa các cơ quan quản lý, cụ thể là cơ quan thuế và ban quản lý các khu công nghiệp về dự án đầu tư mới mà dự án đầu tư mở rộng.

Tránh trường hợp doanh nghiệp thành lập trước, sau đó thực hiện dự án đầu tư đầu tiên và duy nhất nhưng vẫn bị áp dụng mức thuế đối với dự án đầu tư mở rộng.

Phản ánh những bất cập trong việc quản lý kiểm tra chuyên ngành, đại diện một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản cho biết, theo quy định thì hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu không phải thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Cụ thể, công ty ngày thường xuyên nhập các loại lon, hộp từ nước ngoài về để đóng gói thủy sản xuất khẩu.

Tuy nhiên, một số lô hàng lon, hộp được nhập về để thử nghiệm trước khi sử dụng đại trà vẫn phải làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Điều này gây tốn kém chi phí và thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp.

Giải đáp vấn đề này, ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, đối với các loại hàng hóa nhập về không sử dụng cho sản phẩm xuất khẩu thì vẫn phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

Cơ quan Hải quan không có thẩm quyền để miễn kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với một số trường hợp cụ thể, cơ quan hải quan sẽ ghi nhận những đề xuất của doanh nghiệp và kiến nghị đến cơ quan quản lý liên quan để có giải pháp phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, những phản hồi của doanh nghiệp phản ánh đúng một số bất cập trong việc thực thi chính sách thuế, hải quan hiện nay. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu và có giải pháp cụ thể để khắc phục.

Theo đó, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức; xây dựng quy chế làm việc và áp dụng luân chuyển cán bộ thường xuyên.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế, hải quan để hạn chế tiếp xúc trực tiếp trực tiếp giữa công chức thuế, hải quan với doanh nghiệp; xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và xử lý nghiêm các cán bộ, công chức vi phạm.

Bà Vũ Thị Mai cũng mong muốn các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn nữa trong việc phản hồi những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật.

Đồng thời, tích cực đóng góp, đề xuất giải pháp cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới thuế, hải quan nhằm đảm bảo tính khả thi, sự công bằng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của các văn bản pháp luật.

Từ đó tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp huy động mọi nguồn lực phát triển sản xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xem thêm:

>>>>Việt Nam, Trung Quốc triển khai chiến dịch chống buôn lậu tại khu vực biên giới

>>>Bộ Tài chính đối thoại với doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quan

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục