Chính sách tiền tệ của Nhật Bản sẽ theo hướng nào dưới thời lãnh đạo mới?

06:30' - 17/02/2023
BNEWS Nhật Bản đã quyết định đề cử ông Kazuo Ueda, nhà kinh tế học và cựu Ủy viên Hội đồng Chính sách Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), làm lãnh đạo mới của BoJ.

Theo nhật báo Asahi, ngày 14/2, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đề cử ông Kazuo Ueda, nhà kinh tế học và cựu Ủy viên Hội đồng Chính sách Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), làm lãnh đạo mới của BoJ thay cho Thống đốc Haruhiko Kuroda, người sẽ mãn nhiệm vào tháng Tư tới.

Ứng viên sáng giá cho vị trí Thống đốc BoJ này được cho là một người linh hoạt, thực tế, có khả năng cân bằng tốt và không tuân theo một lý thuyết chính sách tiền tệ duy nhất nào.

Theo một số nhà phân tích, nếu được Quốc hội phê chuẩn, ông Ueda, 71 tuổi, có thể sẽ đưa chính sách tiền tệ của Nhật Bản trở lại bình thường trong trung và dài hạn. Điều đó sẽ chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng mà BoJ đã theo đuổi từ tháng 4/2013.

Ông Tetsuya Inoue, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu Nomura và là cựu nhân viên BoJ, nhận định: “Bạn không thể đưa ông Ueda vào một nhóm duy nhất, chẳng hạn như nhóm người theo chủ nghĩa tái lạm phát ủng hộ việc nới lỏng tiền tệ hay một nhà cải cách thúc đẩy cải cách cơ cấu”.

Ông Inoue, người đã hỗ trợ ông Ueda với tư cách là một nhân viên khi ông này đang làm việc tại Hội đồng Chính sách BoJ trong 7 năm kể từ năm 1998, lưu ý rằng các nhà kinh tế thường có xu hướng quyết định chính sách tiền tệ dựa trên lý thuyết mà họ tin tưởng. Tuy nhiên, theo ông Inoue, ông Ueda “đã đưa ra quyết định sau khi lắng nghe những ý kiến khác với ý kiến của mình”.

Một cựu quan chức cấp cao của BoJ, người khá thân thuộc với ông Ueda, cũng đưa ra quan điểm tương tự. Cựu quan chức này nói: “Ông Ueda không cực đoan tới nỗi cố theo đuổi chính sách siêu lỏng được thúc đẩy dưới thời Abenomics. Ông ấy đưa ra các quyết định chính sách một cách chính thống dựa trên thực trạng của nền kinh tế”.

Nhật Bản đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về giá trị đồng nội tệ và sự suy yếu của các thị trường - một hiệu ứng phụ rõ ràng của một chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài bắt đầu dưới thời chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe.

Sau khi thông tin về việc Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ đề cử ông Ueda, cựu Giáo sư Kinh tế của Đại học Tokyo, làm Thống đốc BoJ xuất hiện trên báo chí vào ngày 10/2, ông Ueda đã nói với các phóng viên rằng chính sách tiền tệ hiện tại của BoJ là “phù hợp” và “cần phải tiếp tục”. Tuy nhiên, ông ấy cũng nói thêm rằng “tôi hoàn toàn nhận thức được vô số thách thức phía trước”.

Một số cựu quan chức của BoJ - những người cho rằng ông Ueda vạch ra chính sách dựa trên tầm nhìn và sự logic - suy đoán rằng ông Ueda, với tư cách là tân Thống đốc BoJ, có thể sẽ điều chỉnh lãi suất dài hạn bởi vì, “điều đó không hợp lý”.

Ông Takahide Kiuchi, cựu Ủy viên Hội đồng Chính sách BoJ và hiện là chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu Nomura, cho rằng quan điểm của ông Ueda về chính sách tiền tệ khác với quan điểm của Thống đốc đương nhiệm Haruhiko Kuroda - người đã đảm nhận vị trí này từ năm 2013 dưới thời chính quyền Thủ tướng Abe. Ông Kiuchi nói: “Tôi tin rằng ông Ueda sẽ thận trọng và từ từ xem xét khuôn khổ nới lỏng tiền tệ và chuẩn bị đưa chính sách tiền tệ trở lại bình thường”.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc thống đốc tiếp theo của BoJ sẽ vội vàng điều chỉnh lộ trình của chính sách tiền tệ. Một dẫn chứng ủng hộ quan điểm này là khi ông Ueda tham dự cuộc họp chính sách tiền tệ của BoJ vào tháng 8/2000.

Vào thời điểm đó, nền kinh tế Nhật Bản đang bị mắc kẹt trong tình trạng giảm phát nhẹ do tác động của việc vỡ bong bóng kinh tế. Tại cuộc họp, ông Ueda đã bỏ phiếu phản đối đề xuất chuyển từ chính sách lãi suất bằng 0% sang tăng lãi suất.

Biên bản của cuộc họp đó cho thấy trong khi nhiều ủy viên Hội đồng Chính sách BoJ ủng hộ việc tăng lãi suất, ông Ueda tỏ ra thận trọng với động thái này. Ông Ueda nhấn mạnh “nền kinh tế cần hoạt động tốt hơn tới một mức độ nhất định” như một điều kiện để tăng lãi suất, đồng thời nói thêm rằng ông hy vọng lo ngại của mình sẽ không có cơ sở.

Tuy nhiên, tại cuộc họp đó, Hội đồng Chính sách BoJ vẫn quyết định bỏ chính sách lãi suất bằng 0. Kết quả là sau đó, kinh tế Nhật Bản trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến những lời chỉ trích rằng sự thay đổi về chính sách tiền tệ được đưa ra quá sớm. Một năm sau đó, BoJ đã đưa ra chính sách nới lỏng định lượng, đưa chính sách tiền tệ trở lại định hướng lãi suất cực thấp để kích thích nền kinh tế trì trệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục