Ngân hàng trung ương Nhật Bản và ba thập kỷ giải câu đố chính sách

05:30' - 10/02/2023
BNEWS Trang Nikkei mới đây đăng bài viết phân tích và đánh giá ưu và nhược điểm của các động thái chính sách trong quá khứ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Trang Nikkei mới đây đăng bài viết phân tích và đánh giá ưu và nhược điểm của các động thái chính sách trong quá khứ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) trong bối cảnh giới quan sát kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách nước này sẽ có sự thay đổi lập trường trong thời gian tới.

Nới lỏng định lượng (QE) giống như một bức tranh ghép các chính sách tiền tệ thử nghiệm của BoJ trong suốt 3 thập kỷ qua. Cách đây gần 18 năm, vào tháng 3/2005, Thống đốc BoJ khi đó là ông Toshihiko Fukui bắt đầu tích cực theo đuổi chính sách QE, sau khi người tiền nhiệm của ông bị chỉ trích vì không sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ.

QE mô tả việc ngân hàng trung ương cố gắng tăng tính thanh khoản trong hệ thống tài chính bằng cách mua trái phiếu chính phủ dài hạn từ các ngân hàng lớn và kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích các ngân hàng cho vay hoặc đầu tư, từ đó thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế và làm tăng giá tiêu dùng.

BoJ đã thử nghiệm các chính sách tiền tệ từ năm 1991, khi quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi bong bóng giá bất động sản của Nhật Bản bị nổ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng thực hiện chính sách tiền tệ độc đáo này, chẳng hạn như mua trái phiếu, sau sự sụp đổ của tập đoàn ngân hàng đầu tư Lehman Brothers vào năm 2008. Nhưng vào thời điểm đó, chỉ một mình Nhật Bản đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát.

Chính sách của BoJ trong 30 năm qua có thể được chia thành 4 thời kỳ. Giai đoạn đầu tiên kéo dài từ năm 1991 đến năm 1996, khi ngân hàng dựa vào các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ thông thường hoặc hạ lãi suất. Tuy nhiên, nợ xấu và những khó khăn khác bắt nguồn từ những năm bong bóng bất động sản đã khiến nền kinh tế Nhật Bản trì trệ.

Giai đoạn thứ hai diễn ra từ năm 1997 đến năm 2008. BoJ đã vận dụng các lựa chọn chưa được thử nghiệm như lãi suất 0% và QE trong bối cảnh sự sụp đổ của nhiều tổ chức tài chính gây ra suy thoái kinh tế. BoJ đã dừng chương trình QE vào năm 2006 sau quyết định tăng lãi suất.

Giai đoạn thứ ba là từ năm 2008 đến năm 2012. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trận động đất và sóng thần năm 2011 ở Đông Bắc Nhật Bản, cùng với việc giá đồng yen tăng vọt đã làm trầm trọng thêm tình trạng giảm phát ở nước này.

Giai đoạn thứ tư bắt đầu vào năm 2013 và tiếp tục cho đến ngày nay. Khi đó, Chính phủ Nhật Bản và ngân hàng trung ương đã đưa ra một tuyên bố chung là đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%. Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nhậm chức vào tháng 3/2013.

Sau 10 giữ chức vụ lãnh đạo ngân hàng trung ương, ông Kuroda đã mở rộng chính sách nới lỏng tiền tệ ở mức chưa từng thấy. BoJ đã mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) và hiện đang nắm giữ một nửa số nợ JGB chưa thanh toán. Nhiều người cho rằng cách tiếp cận của ông Kuroda khác với lập trường của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ sẽ thấy những điểm tương đồng.

Sau khi nhậm chức, Thống đốc Kuroda đã nhanh chóng điều chỉnh chương trình nới lỏng tiền tệ quy mô lớn để hướng tới mục tiêu đạt được lạm phát 2% trong vòng hai năm. Nhưng cuối cùng ông vẫn duy trì nới lỏng tiền tệ trong một thập kỷ và buộc phải áp dụng các công cụ chính sách bổ sung, chẳng hạn như lãi suất âm và chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) trái phiếu chính phủ Nhật Bản.

Bức tranh chính sách tiền tệ dường như đã trở nên phức tạp hơn dưới thời ông Kuroda. Từ mục tiêu lạm phát đến việc mua trái phiếu chính phủ, từ việc mua các tài sản rủi ro như quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đến lãi suất âm và YCC, ngay cả các chuyên gia tài chính cũng khó có thể phân tích những động thái này, chứ chưa nói đến một nhà quan sát bình thường. Sự phức tạp chỉ khiến BoJ khó giải thích lập trường của mình với thị trường và công chúng hơn.

Tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ) vào tháng 1/2023, ông Kuroda cho biết điều tiếc nuối duy nhất của ông là "mục tiêu lạm phát 2% đã không đạt được một cách bền vững và... ổn định". Như ông Kuroda đã nói, Nhật Bản không còn phải đối mặt với giảm phát nữa.

Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm, song mức tăng tiền lương thực tế vẫn đình trệ mặc dù có nhiều việc làm hơn. Lạm phát tăng do giá nhập khẩu tăng cao đang gây áp lực lớn đối với các hộ gia đình và tâm lý người tiêu dùng.

Ngày 30/1, nhóm cố vấn chính sách độc lập Reiwa Rincho đã thúc giục BoJ và chính phủ đặt ra khung thời gian dài hơn để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Thị trường đang kỳ vọng BoJ sẽ sớm điều chỉnh chính sách của mình.

Triển vọng kinh tế Nhật Bản sẽ không lập tức trở nên tươi sáng hơn khi BoJ đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ. Điều quan trọng là giới chức ngân hàng trung ương nên dành thời gian để xem xét các chính sách không chỉ trong 10 năm qua mà còn trong 30 năm, kể từ khi bong bóng bất động sản vỡ, và trình bày những bài học rút ra từ quá khứ đó cho công chúng và thị trường ở dạng dễ hiểu.

Nền kinh tế Nhật Bản dường như đang đứng trước một bước ngoặt lớn nhất trong ba thập kỷ. Mức tăng giá cả hàng hóa gần đây chủ yếu là do các yếu tố bên ngoài, như sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19, chi phí năng lượng và lương thực tăng cao do cuộc xung đột ở Ukraine.

Mặc dù không diễn ra theo cách mà BoJ đã hình dung, nhưng lạm phát tăng dự kiến sẽ thúc đẩy nhiều công ty tăng lương trong các cuộc đàm phán với người lao động vào mùa Xuân này. Đổi lại, điều này có thể mở đường cho vòng xoáy tiền lương-giá cả - khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng do mức lương cao hơn - kết quả mà cả Chính phủ Nhật Bản và ngân hàng trung ương đã nỗ lực thực hiện trong suốt nhiều năm qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục