Chính sách tiền tệ của Trung Quốc liệu có thận trọng hơn?

19:57' - 06/02/2017
BNEWS Các nhà kinh tế và hoạch định chính sách hàng đầu ở Trung Quốc cho rằng chính sách tiền tệ của nước này sẽ “mang tính thận trọng, khôn ngoan và trung tính hơn” trong năm 2017.
Chính sách tiền tệ của Trung Quốc liệu có thận trọng hơn? Ảnh: Reuters

Tại Hội nghị Công tác kinh tế trung ương tháng 12/2016, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc đã nói Bắc Kinh sẽ duy trì chính sách tiền tệ “khôn ngoan và trung tính” trong năm 2017.

Cũng tại hội nghị này, giới lãnh đạo Trung Quốc cam kết ưu tiên ngăn chặn các rủi ro tài chính, đồng thời cho rằng kiềm chế tình trạng bong bóng bất động sản sẽ giữ vai trò quan trọng hơn trong năm 2017.

Trong một bài báo mới được đăng trên tờ China Finance, một tạp chí tài chính thuộc Ngân hang Nhân dân Trung Quốc (PboC, Ngân hàng trung ương), bà Zhang Xiaohui nói rằng Trung Quốc nên duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và ổn định, mở rộng tổng cầu một cách thích hợp nhằm tránh nguy cơ suy giảm kinh tế quá nhanh và đồng thời kiềm chế nguồn cung tiền thừa thãi để ngăn chặn tình trạng bong bóng.

Nhà kinh tế trưởng Lian Ping của ngân hàng Bank of Communications cho rằng chính sách tiền tệ của Trung Quốc hiện đang chuyển sang thận trọng và có xu hướng thắt chặt nhẹ, một chiều hướng ngày càng rõ nét hơn kể từ nửa cuối năm 2016.

Sự thận trọng được thể hiện ở những thay đổi trong tỷ lệ lạm phát và trị trường bất động sản mà đã chứng kiến giá nhà tăng mạnh trong năm 2016. Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc, thước đo lạm phát chủ yếu, đã tăng 2,1% trong tháng 12/2016 so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chỉ số giá sản xuất tăng 5,5%, mức tăng cao nhất trong hơn 5 năm.

Trung Quốc đã duy trì chính sách tiền tệ thận trọng từ năm 2011, nhưng theo Zhang Xiaohui - Trợ lý Thống đốc PboC, trên thực tế chính sách này đã được nới lỏng nhẹ trong một khoảng thời gian do sức ép giảm đối với đà tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ thực hiện cách tiếp cận thận trọng trước những bất ổn cả trong và ngoài nước đối với nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2016, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 6,7% so với năm trước đó, dù cao hơn so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác song vẫn là nhịp độ tăng trưởng chậm nhất trong 26 năm qua.

Theo ông Lian, PboC sẽ rất thận trọng trong mỗi bước đi trong chính sách tiền tệ và theo dõi phản ứng của nền kinh tế và thị trường tài chính trong nước, cũng như những quyết định trong tương lai về lãi suất của Mỹ và những dao động trong tỷ giá đồng NDT./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục