Chính sách zero-COVID có làm trật mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc?

07:02' - 17/04/2022
BNEWS Theo giới phân tích, chính sách zero-COVID ngày càng tăng và có nguy cơ làm trật mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng của Chính phủ Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho hay chi phí để thực hiện chính sách zero-COVID của Trung Quốc ngày càng tăng và có nguy cơ làm trật mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đầy tham vọng của Chính phủ Trung Quốc, trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp khó khăn, các cảng bị đình trệ và Thượng Hải vẫn đang trong tình trạng phong tỏa.

Tốc độ tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chậm lại trong nửa cuối năm 2021, khi thị trường bất động sản suy giảm và chính phủ đưa ra các biện pháp chấn chỉnh quy định, khiến các nhà hoạch định chính sách đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói với hãng tin AFP rằng mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,5% này sẽ khó đạt được khi các yêu cầu ở nhà phòng dịch làm hoạt động sản xuất bị ngưng trệ và chi tiêu của người tiêu dùng ở các thành phố lớn giảm sút.

Các chuyên gia của12 tổ chức tài chính được AFP thăm dò ý kiến dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc sẽ ở mức 5%. Các chuyên gia này dự báo tăng trưởng quý I/2022 ở mức 4,3%, cao hơn mức 4% được ghi nhận trong ba tháng trước đó. Dữ liệu chính thức của quý đầu tiên sẽ được công bố vào ngày 18/4.

Gene Ma, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Tài chính Quốc tế cho biết, nền kinh tế Trung Quốc đã có một sự khởi đầu tốt trong tháng 1 và 2/2022, khi chưa có những hạn chế về năng lượng và nhu cầu trong nước phục hồi, các biện pháp kích thích tài chính và hoạt động xuất khẩu sôi nổi. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 gia tăng trong tháng 3/2022 và các biện pháp phong tỏa được áp đặt đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng và các hoạt động sản xuất.

Các nhà phân tích dự đoán đợt bùng phát dịch mới lần này sẽ làm đảo ngược những gì đã đạt được hồi đầu năm.

Trong tuần này, các nhà sản xuất ô tô đã cảnh báo về tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng và thậm chí có khả năng ngừng sản xuất hoàn toàn nếu trung tâm tài chính Thượng Hải vẫn “đóng cửa”.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong tuần này cho biết sẽ tăng hỗ trợ của chính phủ và các công cụ như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng để có thể dành nguồn tiền giúp các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Các thành phố lớn khác trong đó có Thâm Quyến cũng đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thành phố này đã bị “phong tỏa” hoàn toàn trong gần một tuần trong tháng 3/2022.

Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Goldman Sachs cho biết tác động lên doanh thu bán lẻ có thể còn lớn hơn khi dịch vụ ăn uống, chiếm khoảng 10% doanh thu bán lẻ, đã bị tạm ngừng ở một số tỉnh.

Các nhà kinh tế dự báo hậu quả lớn hơn của các biện pháp phong tỏa sẽ được thể hiện trong số liệu tháng 4/2022 và làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 ở nhiều thành phố, Chính phủ Trung Quốc đã chọn cách tiếp cận zero-COVID, trong đó có tiến hành xét nghiệm hàng loạt và cách ly các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 . Điều này dẫn đến tình trạng hạn chế di chuyển nghiêm ngặt ở Thượng Hải trong khoảng hai tuần nay khi trung tâm tài chính này ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mỗi ngày, hầu hết đều không có triệu chứng.

Thành phố Thượng Hải là nơi có cảng container nhộn nhịp nhất thế giới và trong khi các hoạt động đang diễn ra, việc hạn chế đi lại liên tỉnh và tình trạng thiếu tài xế xe tải đã khiến vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn.

Nhà kinh tế cấp cao Julian Evans-Pritchard của Capital Economics cho biết trong một báo cáo gần đây, lưu lượng xe chở hàng dọc theo các đường cao tốc đã "sụt giảm mạnh" kể từ đầu tháng 4/2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục