Cho người nước ngoài thuê tài khoản để hưởng lợi bất chính

18:58' - 05/09/2024
BNEWS Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 2 bị cáo Võ Tiến Trình 4 năm tù và Võ Quốc Toàn 30 tháng tù về tội "Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng"

Ngày 5/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 2 bị cáo: Võ Tiến Trình (sinh năm 1989, trú tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) 4 năm tù và Võ Quốc Toàn (sinh năm 1992, trú tại xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) 30 tháng tù về cùng tội "Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" theo quy định tại Điều 291, khoản 3, điểm b - Bộ luật Hình sự.

 

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện một số giao dịch bất thường, trong đó 1 tài khoản nước ngoài đứng tên Công ty AP Capital Investment Limited (mở tại VNDirect) và 15 tài khoản đứng tên 15 công ty Việt Nam có các hoạt động giao dịch bất thường.

Trong các giao dịch này, từng cặp tài khoản mở và đóng vị thế thông qua việc giao dịch với nhau trong ngày hoặc trong 5 ngày với cùng khối lượng giao dịch, chủ yếu là giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận, mức chênh lệch giá; đều để lãi cho tài khoản nước ngoài. Đặc biệt, các tài khoản trong nước mua giá cao, bán giá thấp và chịu lỗ; tài khoản nước ngoài mua giá thấp, bán giá cao và hưởng lãi.

Tiền lãi được chuyển vào tài khoản của Công ty AP Capital Investment Limited mở tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đáng chú ý, các tài khoản nói trên cùng sử dụng chung một địa chỉ IP tại Hồng Kông (Trung Quốc) để đặt lệnh giao dịch chứng khoán phái sinh. Do vậy, Ủy ban Chứng khoán đề nghị Bộ Công an điều tra, xác minh.

Kết quả điều tra cho thấy, vì mục đích lợi nhuận, từ tháng 1/2021- 7/2022, bị cáo Võ Tiến Trình và Võ Quốc Toàn đã mượn thông tin của người thân quen để mở tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và chuyển các tài khoản đó ra nước ngoài để hưởng lợi.

Cụ thể, năm 2019, thông qua mối quan hệ xã hội, Võ Tiến Trình quen biết Wang Yong Quan Wilfred (sinh năm 1984, quốc tịch Singapore). Tháng 1/2021, Wilfred cho biết đang làm việc cho Công ty Mamoru Việt Nam, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư tiền kỹ thuật số (tiền điện tử) và chứng khoán.

Công ty này do Chiu Cheuk Man (còn gọi Patrick, người Hồng Kông (Trung Quốc) làm Tổng Giám đốc. Đồng thời, Patrick còn là Tổng Giám đốc Công ty AP Capital Investment Limited. Patrick muốn đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số ở Việt Nam, nên cần có tài khoản để thực hiện giao dịch. Là nhân viên dưới quyền Patrick, Wilfred đặt vấn đề nhờ Trình mở tài khoản rồi chuyển lại cho Công ty Mamoru với giá tương đương 800 USDT/tháng (USDT là một loại tiền kỹ thuật số, giá trị tương đương USD).

Nhận lời Wilfred, Trình mua sim và điện thoại mới rồi tới Ngân hàng ACB làm thủ tục mở tài khoản cá nhân, Internet banking bằng số điện thoại mới, đồng thời lập tài khoản trên sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Huobi và Binance. Tất cả tài khoản, mật khẩu sau đó được chuyển cho Wilfred để Công ty Mamoru sử dụng. Sim và điện thoại cũng được chuyển phát sang Trung Quốc cho nhóm Wilfred.

Đến tháng 7/2021, Wilfred tiếp tục nhờ Trình đứng tên thành lập công ty, mở tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán để chuyển cho Công ty Mamoru dùng đầu tư chứng khoán và tiền công tăng thêm khoảng 400 USDT/tháng. Wilfred hướng dẫn Trình liên hệ với một công ty luật tại Đà Nẵng để được hướng dẫn làm thủ tục thành lập doanh nghiệp…

Theo lời khai của bị cáo Võ Tiến Trình, cuối năm 2021, vì muốn biết các tài khoản mình cho thuê hoạt động ra sao, bị cáo đã tới Ngân hàng ACB để sao kê. Kết quả, Trình phát hoảng khi thấy lượng tiền giao dịch thông qua các tài khoản này lên tới 240 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, Trình đã mở tổng cộng 64 tài khoản chứng khoán kèm 64 tài khoản ngân hàng và được trả 3,3 tỷ đồng. Trừ các chi phí, Võ Tiến Trình hưởng lợi bất chính hơn 2,9 tỷ đồng.

Sau khi Trình nghỉ việc, Võ Quốc Toàn thay thế vị trí của Trình. Đến khi vụ việc bị phát hiện, Toàn đã lập 16 tài khoản chứng khoán cùng 16 tài khoản ngân hàng, được hưởng lợi 377 triệu đồng.

Hội đồng xét xử kết luận, vì mục đích lợi nhuận, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 1/2021 đến tháng 7/2022, Võ Tiến Trình, Võ Quốc Toàn đã mượn thông tin của người thân, bạn bè, người quen... để mở tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và chuyển các tài khoản đó ra nước ngoài để hưởng lợi.

Trong đó, Võ Tiến Trình phải chịu trách nhiệm đối với 64 tài khoản ngân hàng và 64 tài khoản chứng khoán (tổng số là 128 tài khoản) mà Trình đã trực tiếp hoặc hướng dẫn, phối hợp với các đối tượng có liên quan để thực hiện hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép các tài khoản này.

Võ Quốc Toàn phải chịu trách nhiệm đối với 16 tài khoản ngân hàng và 16 tài khoản chứng khoán (tổng số là 32 tài khoản) do Toàn trực tiếp hoặc phối hợp với Võ Tiến Trình thực hiện hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép các tài khoản.

Liên quan đến vụ án, còn có một số người Việt Nam và nước ngoài khác có hành vi liên hệ mật thiết với nhau. Cơ quan điều tra đã yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự đối với những người nước ngoài này, nhưng do hiện chưa có kết quả nên tách hồ sơ để xử lý sau.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục