Cho ý kiến về Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập

18:38' - 16/09/2021
BNEWS Chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Báo cáo tóm tắt Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trong thời gian qua, nhà nước đã đầu tư và có nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước nhưng chúng ta đang đứng trước nhiều vấn đề đặt ra với an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. 

Để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa nước ta thành nước phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, có nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó, đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là chìa khóa then chốt. Vì vậy, việc xây dựng Đề án nhằm đưa ra định hướng chiến lược, giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài là cần thiết và cấp bách.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ bổ sung một số kết quả chủ yếu của việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; đồng thời, cần thể hiện nổi bật hơn một số hạn chế, thách thức đối với vấn đề này ở nước ta. 

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cụ thể hóa quan điểm của Đề án; giải quyết được các thách thức, tồn tại, bất cập và vướng mắc trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước của đất nước trước mắt và dài hạn; lượng hóa được để đánh giá, giám sát theo tiếp cận quốc tế; bảo đảm tính khả thi về nguồn lực và tổ chức thực hiện.

Để bảo đảm tính khả thi, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ tổng hợp đầy đủ kinh phí đã phân bổ ở tất cả các ngành, lĩnh vực và đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 và đối chiếu với Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn đầu của Đề án; làm rõ cơ sở pháp lý để xác định tỷ lệ cơ cấu các nguồn vốn trong toàn bộ giai đoạn triển khai Đề án và riêng cho giai đoạn 2021- 2025.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ cần làm rõ khả năng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách bố trí cho Đề án trong giai đoạn 2021- 2025; nhất là nguồn vốn xã hội hóa; nguồn hợp tác công tư; bổ sung thêm nguồn vốn lồng ghép với các chương trình, dự án khác đang triển khai nhằm đảm bảo tính thống nhất, khả thi, đồng bộ, đảm bảo nguyên tắc đầu tư có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; làm rõ căn cứ phân bổ nguồn vốn cho giai đoạn 2026-2030.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với đề nghị của Chính phủ cần thiết ban hành Nghị quyết riêng của Quốc hội về vấn đề này. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, tích hợp vào Nghị quyết chung của kỳ họp.

Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị không lấy tên gọi như dự thảo Nghị quyết kèm theo hồ sơ Đề án (“Nghị quyết Phê duyệt Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045”) do Quốc hội không phê duyệt toàn bộ Đề án. Tên gọi của Nghị quyết phải phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ nội hàm an ninh về nước bởi, an ninh nguồn nước liên quan trách nhiệm quản lý, bảo vệ của nhiều bộ, ngành, là một vấn đề lớn trong khi đó, an ninh hồ đập do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách, chỉ là giải pháp. Tuy nhiên, quan điểm an ninh nguồn nước gắn với kinh tế hóa tài nguyên nước trong đề án còn thể hiện mờ nhạt; quan điểm quản lý tổng hợp tài nguyên nước chưa đủ rõ, chưa đề cập đến vấn đề thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức tài nguyên nước...

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần thảo luận thêm về Đề án, trình Bộ Chính trị cho ý kiến kết luận hoặc định hướng lớn để xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, nhất là với những đề án có tầm nhìn đến năm 2045.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Đề án và báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo về các nội dung quan trọng của Đề án./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục